Cuộc chiến ở biên giới Tây Nam năm 1978 giữa Sư 10 với lính Pôn Pốt diễn ra rất ác liệt . Trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài ghi chép của bạn Nguyễn Thế để các bạn hiểu thêm về cuộc chiến này.
MEMOT
Nguyễn Thế
Memot một thị trấn nhỏ sát biên, thuộc tỉnh Kongpong Cham (Campuchia) nằm trên quốc lộ 7, cách tỉnh lỵ Kongpong Cham gần 100 km và cũng cách thị xã Tây Ninh của VN chừng 80km, tính theo đường chim bay. Là thị trấn vùng biên nhưng tương đối đẹp, những căn nhà sàn theo đúng kiến trúc của người Khmer. Nơi đây sau này tháng 10/1978 khi lực lượng trinh sát của sư 10, luồn sâu đưa được Hengsom Rin, đang là sư trưởng một sư đoàn của quân khu 203 Khơme đỏ, cùng một số binh lính có nguy cơ bị Ponpot thanh trừng đi ra, kết hợp cùng Hunsen ( trước đó tháng 11/1977 Hunsen đã dẫn cả tiểu đoàn phản chiến về với ta) thành lập “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Campuchia”, Memot trở thành căn cứ kháng chiến của MTDTGP.
Gần một ngày ngồi xe từ Sa Nghe, nơi hậu cứ của sư đoàn đi đường Trần Lệ Xuân, nẩy tưng người, chậm chạp, lầy lội khó đi, tiểu đoàn tập kết tại đây... trời cũng vừa tối... tất cả nghỉ tạm một đêm trong các ngôi nhà bỏ không nằm sát ven lộ 7. Không đèn không phương tiện thắp sáng mò mẫm đi tìm nước, trong vườn có những chiếc giếng nhưng không ai dám tắm giặt, chỉ rửa chân tay cho hết bùn đất khi di chuyển trên đường mà thôi. Nhớ đã có trường hợp khi trời tối lính ta dùng cạn nước mà không biết, hôm sau trời sáng rõ mới phát hiện đáy giếng có đầy xương người, những người dân bị Khmer đỏ đập đầu rồi quăng xuống giếng.
Sáng nay 26/6 chúng tôi được chia bổ sung về Trung đoàn 24 và 28, thằng bạn thân Minh Đen, Sơn cùn, Lợi kều, Long điên cùng một nửa quân số cuốc bộ rẽ tay phải về hướng bắc, hướng thị trấn Snoul chừng hơn chục cây số nơi trung đoàn 24 đang tác chiến. Quân số còn lại sẽ rẽ trái chếch hướng tây hướng tỉnh lỵ Kongpong Cham, vùng tác chiến của E28. Tôi về tiểu đội truyền Đạt, thằng Hưng người Đông Anh tiểu đội hữu tuyến( trung đội thông tin tiểu đoàn), hai thằng Hoà Bình một thằng Đông Anh về trung đội vận tải, thằng Trị kều Yên Lãng, Tuấn bẩn Đoàn Thị Điểm về C7, thằng Dinh chéc Đông Anh, Bùi Văn Chạy Hoà Bình về C6, thằng Quế khàn Yên Lãng, thằng Mai Vĩnh Phú cùng mấy thằng nữa về C5, thuộc K2 còn lại chia về K1 và K3 tất cả chừng 50 thằng.
Lững thững đeo ba lô đi bộ trên con đường của thị trấn... thị trấn không bóng người dân, chỉ có các ngôi nhà bỏ không nằm giữa những khu vườn trông hoang vu, thỉnh thoảng có những chiếc xe quân sự chạy ngang qua đi hoặc về từ mặt trận. Theo chân anh Long quân lực chúng tôi về các bếp, tôi và mấy thằng lính trực thuộc về bếp tiểu đoàn bộ, dặn chúng tôi ở lại còn anh qua sở chỉ huy trung đoàn cũng gần đây ngày mai sẽ về tiểu đoàn. Anh Ký bếp trưởng vui vẻ đón... trò chuyện cùng anh, được biết anh quê Vĩnh Phú cùng mấy anh cũng đều là lính 72, đang chờ đủ 5 năm để phục viên lúc quân đoàn còn ở Tây Nguyên, nay vào chiến đấu tất cả bị hoãn, mấy anh đi 73, năm 1976 đủ tiêu chuẩn 3 năm nên đã xuất ngũ về hết, anh ca cẩm:” biết thế đéo chờ đủ 5 năm lấy cái tiêu chuẩn phục viên, về mẹ xuất ngũ cũng được có phải đang ở nhà với vợ con, đâu phải còn ở đây biết đến bao giờ hết chiến tranh để trở về... “ thật ái ngại cho các anh, từ 72 cho đến giờ đã là 6 năm, mới kịp đi phép 1 lần về lấy vợ nay thì lại biền biệt...
Nằm gối đầu lên chiếc ba lô, trong căn nhà sàn rộng rãi của người khmer nơi viễn xứ, ngoài kia tiếng pháo vẫn “... ầm... ầm...” vọng về từ hướng mặt trận... lòng tôi trăm mối... (còn nữa).
Đời chinh chiến ra đi vì đất mẹ
Ngắm sao trời lặng lẽ với màn sương
Trăng viễn xứ đêm nay trăng không tỏ
Giữa chiến trường lòng lại nhớ quê hương...
Hà Nội 2/7/2018
Nguyễn Thế