CUỘC GẶP MẶT CỦA NHỮNG CON SƠN CA - VĂN CÔNG TÂY NGUYÊN
Nguyễn Đình Thi
Tôi đã dự nhiều buổi gặp mặt của những người lính Tây Nguyên nhưng có lẽ buổi gặp mặt với các cựu chiến binh của Văn công Tây Nguyên sáng nay 22/9/2019 có lẽ là buổi gặp mặt gây cho tôi nhiều xúc động nhất . Bao năm ở Tây Nguyên nhưng tôi chưa được gặp các anh , các chị . Chưa một lần được xem các anh , các chị biểu diễn mà chỉ nghe qua đồng đội kể chuyện về các anh , các chị với lòng ngưỡng mộ , nên tôi luôn ao ước được gặp các anh , các chị Văn công Tây Nguyên . Không ngờ những cái tên thân thuộc như Thanh Lịch , Xuân Cước , Rơ Chăm Phiang , Ngọc Báu , Tiến Khải , Phương Liên , Minh Hoà , Minh Tuyên , Kim Thanh , Khánh Hoà , Quang Hảo , Trung Tín , Minh Thắng ... tôi nghe đã bao năm hôm nay lại đang ở bên tôi . Thật hạnh phúc làm sao . Văn công Tây Nguyên ra đời tháng 3/1967 , đây là những năm chiến tranh ở Tây Nguyên rất ác liệt . Ngày thành lập , các diễn viên của Đội Văn nghệ xung kích lúc đó đều là các chiến sỹ ở dưới các đơn vị như Viện 211 , phòng Hậu cần , Sư 1 triệu tập lên , không một ai được đào tạo về chuyên môn . Đa số các diễn viên còn rất trẻ , mới tuổi 20 hay ngoài 20 . Thời gian thấm thoắt thời đưa , loáng một cái đã 52 năm tròn . Con chim sơn ca của Văn công Tây Nguyên năm nào - ca sỹ Thanh Lịch giờ cũng đã 70 tuổi , cô gái trẻ nhất đoàn - ca sỹ Rơ Chăm Phiang năm ấy mới có 13 tuổi , giờ cũng đã ngoài 60 , giờ đã là giảng viên của Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội và là Nghệ sỹ Nhân dân . Ca sỹ Ngọc Báu chàng thanh niên Hà thành đẹp trai , phong độ năm nào giờ cũng ngấp nghé tuổi 80 . Các anh , các chị trẻ nhất giờ cũng ngoài 60 . Năm tháng làm cho các anh , các chị già đi nhưng nhìn cách các anh , các chị trò chuyện tôi vẫn thấy thân tình , ấm áp . Đặc biệt ngồi nghe các anh , các chị hát , tôi thấy nó hào hùng , xúc động làm sao , hình ảnh Tây Nguyên thân thương lại hiện lên trong lời ca , tiếng hát . Tôi vẫn thấy các anh , các chị trẻ trung như những năm nào ở chiến trường Tây Nguyên . Có thực sự sống trong những ngày đạn bom ở chiến trường Tây Nguyên những năm đó mới thấy hết sự cống hiến , sự chịu đựng phi thường của những người lính Văn công Tây Nguyên , đặc biệt là các cô gái Văn công Tây Nguyên . Họ cũng bị máy bay trực thăng săn đuổi , họ cũng nếm trải nhiều trận bom B52 , họ cũng hứng chịu những lần địch rải chất độc hoá học trơ trụi hết cả lá , họ cũng phải chặt cây dựng nhà , dựng cửa . Họ cũng sống những ngày 2 lạng gạo như mọi người , cũng đi phát nương , rẫy trồng sắn để sống . Cũng đói quay , đói quắt như người lính . Rồi sốt rét hoành hành . Không một ai trong đoàn không bị sốt rét . Thậm chí nhiều thành viên trong đoàn bị sốt rét ác tính cận kề cái chết . Phương Liên diễn viên múa , giờ là trưởng ban liên lạc của Văn Công Tây Nguyên kể : em sốt rét đến nỗi rụng hết cả tóc . Ca sỹ Trần Trung Tín kể : tôi bị sốt rét hồng cầu chỉ còn 9 vạn , bụng trương lên như cái trống , tưởng phải bỏ xác lại Tây Nguyên ... Nói sao hết những vất vả cực nhọc của các anh chị em văn công Tây Nguyên ngày đó , thế nhưng họ không quản ngại vất vả , kể cả hy sinh để đến với bộ đội . Có những đơn vị họ phải đi hàng chục ngày đường , vượt bao núi cao , vực thẳm , vượt bao hiểm nguy mới đến được đơn vị bộ đội . Có những đồng chí cơn sốt rét vừa dứt lại ra phục vụ bộ đội ngay . Trận ném bom của địch lúc đoàn đi phục vụ Trung đoàn 95 ở đèo Mang Giang suốt 4 giờ đồng hồ , nhờ sự may mắn chứ không đã cướp đi sinh mạng của 3 diễn viên trong đoàn . Hình ảnh văn công Tây Nguyên ra tận trận địa hát cho bộ đội và thương binh là những hình ảnh không thể nào quên với những người lính Tây Nguyên . Có thể nói Văn công Tây Nguyên những năm chiến tranh họ thực sự là những chiến sỹ trên mặt trận Văn nghệ . Năm tháng giờ đã qua đi nhưng hình ảnh các chiến sỹ Văn công Tây Nguyên năm nào không hề phai mờ trong lòng người Lính Tây Nguyên . Chiến công vang dội của bộ đội Tây Nguyên có một phần đóng góp công sức của họ . Chỉ có điều quá thiệt thòi cho cả đoàn là năm 1975 , Văn công Tây Nguyên sát nhập vào văn công Quân khu 5 nên thành tích và chiến công của họ chẳng còn đơn vị nào để ý , nhưng dù không có Huân huy chương thì trong tâm khảm những người lính Tây Nguyên họ xứng đáng hơn cả những tấm Huân chương , xứng đáng được trân trọng và ngợi khen.