CHIẾN THẮNG TRÊN DÒNG MÊ KÔNG

CHIẾN THẮNG TRÊN DÒNG MÊ KÔNG
                                                       Đại tá Khuất Duy Hoan - nguyên phó Tư lệnh Quân đoàn 3

Ngày 31/12/1978, sau khi bí mật luồn sâu tiêu diệt căn cứ Đầm Be, Trung đoàn 64 của chúng tôi thừa thắng cùng đơn vị bạn phát triển tiến công bằng cơ giới đánh chiếm Tà Hiên;Stoeng theo đường số 7 hướng tới thị xã Công Pông Chàm. Đến dêm này 03/1/1979 thì bắt liên lạc được với tiểu đoàn 1- Trung đoàn 48 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Minh Tác chỉ huy đang chốt giữ bờ Đông sông Mê Công đối diện với thị xã Công Pông Chàm. Ngay sau đó tiểu đoàn 1 của Nguyễn Minh Tác được chuyển thuộc về trung đoàn 64 để thay thế cho tiểu đoàn 8 của chúng tôi đang cùng trung đoàn 48 đánh chiếm PrâyVeng. Mãi sau này tôi mới hiểu ra sự hoán đổi lực lượng kỳ diệu của Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến cùng Bộ tư lệnh Sư đoàn 320 ngày ấy,vừa phù hợp thế trận, vừa phát huy sở trường tác chiến truyền thống của 2 tiểu đoàn chủ công trong 2 Trung đoàn chủ lực. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chia nhau bát canh ngụm nước rồi vội vã cùng nhau lo làm công tác chuẩn bị vượt sông. Tận dụng trời tối, đêm 04/1. Tham mưu trưởng Quân đoàn Lê Minh, Tư lệnh Sư đoàn Khuất Duy Tiến, Trung đoàn trưởng Vũ Cối cùng cơ quan tham mưu và tiểu đoàn trưởng các tiểu đoàn 7,9 của trung đoàn 64 đã bí mật ra tận mép nước dọc bên này sông Mê Công để xác định vị trí bố trí các trận địa hoả lực, vị trí từng bến vượt và xác định lưu tốc dòng chảy. Đồng thời chỉ đạo cho tiểu đoàn 1 mở rộng chính diện trận địa chốt dọc bờ sông bên ta, giữ vững bàn đạp cho bến vượt.
Phía bên kia Sông Mê Công, thị xã Công Pông Chàm lâu nay vắng lặng vì dân cư bị Ăng Ca đuổi về thôn quê bỗng chốc bị quân Khơ me đỏ biến thành căn cứ quân sự lớn được bảo vệ bằng tuyến phòng thủ khá vững chắc bởi các trận địa pháo binh, súng cối, các ụ súng hoả điểm, công sự , chiến hào dọc ngang kéo dài gần 2 km từ bắc thị xã tới tận bến phà Niếc Lương. Với lực lượng của Sư đoàn 520 và hơn 2000 quân được điều động vội vã từ Nông Pênh tới , với vật cản thiên nhiên là dòng chảy rộng hơn 1000 mét. Xon Xen, Bộ trưởng Quốc phòng của Pôn Pốt hi vọng sẽ chặn đứng bước tiến công của quân tình nguyện Việt Nam tại nơi đây.
Đêm 05/01 từ vị trí xuất phát cách bờ sông không xa, các lực lượng chiến đấu của ta bí mật khẩn trương cơ động chiếm lĩnh triển khai trận địa. Tiểu đoàn 7 đảm nhiệm vượt sông hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 9 vượt sông hướng thứ yếu, tiểu đoàn 1 giữ vững bàn đạp và làm lực lượng dự bị. Nhờ giữ được yếu tố bí mật nên tất cả các lực lượng từ xe tăng, pháo binh, phòng không và bộ binh đều chiếm lĩnh an toàn nhất là các đại đội vượt sông đầu tiên và lực lượng xuồng gấp của tiểu đoàn 4 thuộc lữ đoàn công binh 249 đã bám sát bờ sông làm công sự chiến đấu, trong khi bên kia bờ sông thỉnh thoảng pháo cối địch bắn toạ độ, cầm chừng vài quả sang bên này bờ sông.
Với cương vị là tham mưu phó trung đoàn 64, tôi được cử xuống tăng cường chỉ huy trực tiếp trên hướng vượt sông của tiểu đoàn 9. Gần 3giờ sáng ngày 06/01, khi bộ đội đang đào công sự chiến đấu thì nhận được điện từ sở chỉ huy tiền phương sư đoàn do tham mưu phó Nguyễn Hữu Mão truyền trực tiếp cho tôi “ Chỉ huy tiểu đoàn 9 lợi dụng đêm tối, bí mật tổ chức từng đại đội vượt sông chiếm giữ phía bắc thị xã Công Pông Chàm”. Ngay lập tức chúng tôi ra lệnh hạ thuỷ 5 xuồng chiến đấu và chỉ huy đại đội 9 cùng 1 bộ phận hoả lực tiểu đoàn bí mật lên xuồng triển khai đội hình sẵn sàng vượt sông. Đến 4giờ30 sáng, từng chiếc xuồng lặng lẽ rời bờ với máy đẩy chạy chân dầu nhỏ nhất. Từ hầm chỉ huy dã chiến cách bờ sông chưa đầy 100 mét, chúng tôi nín thở theo dõi những chiếc xuồng cao su nhỏ bé lặng lẽ rẽ sóng Mê Công nhích dần về phía quân địch. Một phút, hai phút, rồi năm phút trôi qua tiếng máy nhỏ dần và chìm vào tiếng sóng nước. Ước chừng xuồng đi đầu đến giữa sông thì bất chợt hoả lực địch bắn dồn dập vào đội hình của đại đội 9,chiếc xuồng đi đầu trúng đạn,gần chục chiến sĩ bị thương và hy sinh,xuồng thủng anh em phải cởi áo bịt lỗ thủng ngăn nước chảy vào. Trong ánh đạn lửa và pháo sáng có thể nhìn thấy bộ đội trên xuồng vẫn bình tĩnh bắn trả quân địch và tiếp tục qua sông. Nhận thấy yếu tố bí mật không còn nữa,Tư lệnh sư đoàn Khuất Duy Tiến trực tiếp lệnh cho chúng tôi dùng một phần hoả lực của tiểu đoàn chi viện cho đại đội 9 quay xuồng trở lại bờ. Ngay sau đó tại Sở chỉ huy Sư đoàn 320, phương án vượt sông bằng sức mạnh được thực hiện. 05giờ45 hoả lực pháo binh, pháo phòng không, pháo xe tăng của ta đồng loạt nã những quả đạn chính xác vào các ụ súng, hoả điểm và trận địa pháo binh địch ở bên kia sông. Các chiến sĩ công binh bật dậy, mở xuồng lao xuống nước nổ máy chờ bộ đội. Đúng 06giờ30 những chiếc xuồng đầu tiên chở đại đội 3 và hoả lực của tiểu đoàn 7 mở hết tốc lực dàn đội hình rẽ sóng Mê Công nhằm thẳng thị xã Công Pông Chàm lướt sang dưới làn đạn hoả lực bắn thẳng đầy uy lực và chính xác của tất cả các loại pháo mặt đất, phòng không, pháo xe tăng, DKZ các cỡ của ta… Khi đại đội 3 cập bờ và đánh chiếm trận địa địch, đội hình xuồng chiến đấu của đại đội 2, đại đội 4 hoả lực và đại đội 1 của tiểu đoàn 7 cùng với đại đội xe tăng PT76 của trên tăng cường cho Trung đoàn dàn đội hình vượt sang trong tiếng reo hò vang dậy mặt sông của bộ đội ta. Từ bến vượt của tiểu đoàn 9 nhìn qua ống nhòm quân sự, bức tranh sống động diễn ra trong khung cảnh khói lửa đạn bom. Bất chợt tôi liên tưởng đến hình ảnh trong những bộ phim tái hiện cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của quân đội Xô Viết được xem ngày chưa nhập ngũ. 08giờ10 toàn bộ tiểu đoàn 7 qua sông phát triển chiến đấu đánh chiếm vào Công Pông Chàm. Chúng tôi được lệnh xuống bến chính để qua sông, vậy là bất chấp sự kháng cự tuyệt vọng của quân địch từ bên kia bờ sông, chúng tôi vừa chạy bộ trên bờ vừa bơi xuồng dưới nước xuôi dòng Mê Công hướng tới bến vượt chủ yếu nhanh chóng tổ chức đội hình vượt sông cùng tiểu đoàn 7 phát triển tiến công. Đến 12giờ30 toàn bộ 2 tiểu đoàn 7,9 và chỉ huy, cơ quan Trung đoàn đã qua sông và đánh chiếm xong toàn bộ thị xã Công Pông Chàm, tiếp tục truy kích quân địch mở rộng chính diện, chiều sâu bàn đạp tiến công cho Trung đoàn 28 – Sư đoàn 10 cùng xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn phối hợp với Quân đoàn 4, Quân khu 9 tiến vào giải phóng Nông Pênh trong ngày 07/01/1979. Đánh dấu sự sụp đổ vĩnh viễn của Chế độ diệt chủng Pôn Pốt, IêngXaRi. Cũng trong ngày hôm ấy và những ngày sau đấy tại thị xã Công Pông Chàm, từng đoàn xe bò kéo đưa những cư dân của thị xã từ các vùng thôn quê trở lại. Nụ cười Bayon mừng vui khôn xiết pha chút ngượng ngùng nhoà trong nước mắt vui sướng, biết ơn những người lính tình nguyện Việt Nam đã giải thoát cho họ khỏi địa ngục trần gian sau gần 4 năm trời đau khổ,tuyệt vọng.
Tròn 40 năm trôi qua. Biết bao nhiêu đổi thay trong mỗi đất nước, con người Việt Nam, Campuchia. Trận vượt sông Công Pông Chàm ngày ấy không chỉ sống mãi trong ký ức của thế hệ những người đã tham gia trận đánh mà nó đã góp phần làm sáng tỏ lý luận nguyên tắc chiến thuật “ Trung đoàn bộ binh vượt sông bằng sức mạnh” mà sau này tôi được nghiên cứu, học tập tại Học viện Lục quân.Chúng tôi khảng định rằng trong tiến công hành tiến khi muốn đánh chiếm trận tuyến phòng thủ của quân địch ở bên kia những con sông lớn phải tổ chức chuẩn bị chu đáo bến vượt,đặc biệt chú trọng triển khai và sử dụng tối đa các loại hỏa lực bắn thẳng có trong biên chế và được tăng cường.Trong chiến tranh tương lai còn cần có sự chi viện của hỏa lưc Không quân,tên lửa…Trận vượt sông Công Pông Chàm của trung đoàn 64 năm ấy cũng là trận tiến công hành tiến vượt sông băng sức mạnh duy nhất của Quân đôi ta đến thời điểm này. Những cái tên: Nguyễn Văn Điều – tiểu đoàn phó, Nguyễn Đức Thại – Đại đội trưởng, Đinh Xuân Khoa – xạ thủ B40, Nguyễn Đình Phùng – chiến sĩ bộ binh… cùng với những hành động chiến đấu dũng cảm của họ khi những chiếc xuồng đầu tiên cập bờ mãi mãi còn lưu giữ trong sử sách của đơn vị và tâm trí của chúng tôi.
Đất trời đang chuyển mùa,những ngày đầu một năm mới tới gần.Giữa lòng thủ đô thân yêu.Nhớ về đồng đội về Trung đoàn 64 vừa kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống (22/01/1946-22/01/2019) và hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của Sư đoàn 320-Đoàn Đồng Bằng anh hùng của chúng tôi.Một chút vinh dự, tự hào là người được trực tiếp tham gia chỉ huy trận “Vượt sông bằng sức mạnh” năm ấy xin viết lại đôi dòng về trận đánh lịch sử với muôn vàn nhớ thương cùng sự biết ơn những đồng đội của tôi trong Trung đoàn 64 và các đơn vị phối thuộc, phối hợp chiến đấu đã ngã xuống trên dòng Mê Công ngày ấy , những đồng đội may mắn trở về quê hương đã cùng chúng tôi làm nên chiến công trên dòng Mê Công. Trên mảnh đất Công Pông Chàm năm xưa.