NGỌN ĐUỐC VƯƠNG TỬ HOÀNG, SỐNG MÃI VỚI NGƯỜI LÍNH SƯ 10

BÀI VIẾT HƯỞNG ỨNG ĐỢT PHÁT ĐỘNG VIẾT VỀ NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC TRONG NHỮNG NĂM THÁNG SỐNG , CHIẾN ĐẤU TẠI QUÂN ĐOÀN 3 . NHÂN KỶ NIỆM 45 NĂM , NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐOÀN 3 ( 26/3/1975 - 26/3/2020 )

NGỌN ĐUỐC VƯƠNG TỬ HOÀNG, SỐNG MÃI
                           VỚI NGƯỜI LÍNH SƯ 10

                          Nhà văn  Dương Thanh Biểu
             Nguyên Đại đội trưởng, Đại đội 1 , D1, E 28, F 10
            Nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao 

Ngày ấy, chiến trường Kon Tum hình thành ba khu vực: khu vực cánh Bắc, khu vực cánh Trung và khu vực cánh Nam. Mỗi nơi đều có những thuận lợi về địa hình và cũng có những khó khăn riêng. Chỉ huy quân đội Mỹ sử dụng 5 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 4 Mỹ. Vòng ngoài thuộc 3 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 1 đóng ở 3 khu vực. Khu vực thứ nhất gồm có: Ngọc Tô Ba, điểm cao 467, Plây Gia Siêng. Khu vực thứ hai gồm có: Chư Dơ Bang, Chư Mơ Nú, Chư Mo Rinh. Khu vực thứ ba: Chư Kê Pắc, Chư Kô Pắc. Vòng trong gồm hai tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2 cùng với các đơn vị pháo binh yểm trợ chiếm giữ Chư Đô, Kleng, Chư Tăng Kra, Chư Tăng An. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 28 chúng tôi được giao nhiệm vụ vây chặt tiểu đoàn 1, trung đoàn 12, lữ đoàn 1, thuộc sư đoàn 4 của Mỹ ở địa bàn Chư Đô, Kon Tum. Quân Mỹ đặt ở đây những cứ điểm lớn với những sư đoàn, quân đoàn. Chúng có các căn cứ không quân khá mạnh với xe tăng, thiết giáp, máy bay yểm trợ. Hệ thống phòng thủ khá kiên cố, chúng rải ra từng đại đội, trung đội xen kẽ nhau đóng chốt trên những điểm cao nhưng bộ đội ta không ngại khó khăn, vẫn tự tin vào trận đánh với khẩu hiệu rắn rỏi:
    Đánh cho sư 4 đảo điên
    Đánh cho quân Ngụy ở Tây Nguyên tơi bời

 Đơn vị tôi khẩn trương dàn thế trận bao vây tiêu diệt địch theo kế hoạch tác chiến. Khẩu đại liên của đại đội 4, tiểu đoàn 1, do tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng chỉ huy bố trí tại đồi Cháy. Nhiệm vụ của khẩu đại liên là bắn máy bay trực thăng đổ bộ và chi viện cho Đại đội 2 Tiểu đoàn 1.
Đại đội 2 bộ binh được giao nhiệm vụ đánh đại đội C của Mỹ ở Chư Đô. Cũng xin được nói thêm, Chư Đô là ngọn núi cao 1145met, cách Kleng 13 cây số. Qua trinh sát chúng ta biết được đại đội C của địch có 100 tên lính Mỹ ẩn náu trong hệ thống công sự kiên cố, vững chắc gồm ba lô cốt bê tông và 45 chiếc hầm xây có nắp thông với nhau bằng các đường giao thông hào chằng chịt. Lính Mỹ ở Chư Đô còn được trận địa pháo lớn đóng ở Chư Tăng Kra bắn chi viện khi cần thiết và máy bay trực thăng, máy bay C47 quần đảo liên tục trên bầu trời bất kể ngày đêm nhằm bảo vệ vòng ngoài của căn cứ. Đạn pháo lớn của địch nổ ùng oàng bên ngoài căn cứ và đêm đêm sáng đèn dù do máy bay Mỹ thả, soi rõ từng mô đất, khóm cây.
  Đêm mùng 4 tháng 3 năm 1969, khẩu đại liên của đại đội chúng tôi được lệnh chiếm lĩnh trận địa chiến đấu và chuẩn bị công sự chốt giữ trên đồi Cháy. Khoảng cách giữa trận địa chúng tôi và đồi Chư Đô nơi địch đóng quân là ba trăm mét- một khoảng cách rất gần và đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đây là nới hỏa lực (máy bay, pháo) bắn liên tục để bảo vệ cứ điểm Chư Đô.
 Tôi còn nhớ rõ, quang cảnh đồi Cháy lúc bấy giờ, đúng như cái tên của nó, cả quả đồi bị cháy trơ trụi không còn sót lại một bụi cây, khóm cỏ nào. Mặt đồi phủ đầy tro than đen kịt, gặp gió, bụi tro bay lên mù mịt. Những cây to thì cháy nham nhở, cây nhỏ thì cháy xém hết cả, có chỗ còn cháy âm ỉ, mặt đất bỏng rát, bàn chân đặt xuống không chịu nổi…Có lẽ trong chiến đấu, những quả đồi không tên trên bản đồ thì bộ đội đặt cho cái tên là “Đồi không tên”. Còn đồi không tên đó mà bị bom đốt cháy thì gọi là đối Cháy. Chiều hôm trước khi đơn vị chiếm lĩnh trận địa, máy bay địch tăng cường ném bom na-pan, loại bom có sức hủy diệt ác liệt khiến cho tất cả những thứ gì trên mặt đất của đối Cháy hóa thành tro bụi. Khi bộ đội hành quân lên, chúng tôi vẫn thấy nhiều đống lửa bập bùng cháy trên đồi Cháy. Mùi bom, đạn nồng nặc khắp nơi lẫn vào mùi cỏ, mùi động vật bị thui oi nồng, ngột ngạt. Khói lửa vẩn cháy lên thành từng chùm, ngập ngụa cả bầu trời, màu đỏ quẩn vào màu khói đen bốc cao, cuốn theo tro bụi bay tứ tung, nhất là vào buổi trưa nắng nóng. Kẻ địch đánh bom na-pan lên đồi cốt để triệt tiêu mọi sự sống, triệt tiêu mọi vật cản mà bộ đội ta có thể dùng nó làm ngụy trang.
 Bộ đôi tiền nhập lên đồi Cháy và nhận vị trí chốt giữ vào lúc nửa đêm. Dưới ánh đèn dù hắt ra từ căn cứ Chư Đô, chúng tôi khẩn trương đào công sự, lặng lẽ làm việc, chỉ nghe rõ tiếng sẻng đào công sự và hơi thở của nhau. Người nào cũng ướt đẫm mồ hôi, mặt mũi lấm lem như bết bùn. Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng nhắc nhở chúng tôi khẩn trương hoàn thành công sự trước khi trời chưa sáng. Sau đó tập trung ngụy trang hầm hào cho kín đáo. Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu vừa qua, ngụy trang công sự là biện pháp che mắt quân địch để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, ngụy trang trên đồi Cháy lúc này là một vấn đề rất khó đối với chúng tôi, bởi quả đồi đã bị cháy trơ trụi, không còn cây, lá. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, chúng tôi lấy tro than phủ trên lớp đất đỏ mới đào và nhặt cành cây cháy che lên trận địa. Với cách ngụy trang như vậy thì máy bay phản lực của địch sẽ rất khó phát hiện, thậm chí bộ binh chúng bước lên trên cũng không thể biết được. Chúng tôi tin như thế.
 Trời gần sáng thi công sự của tiểu đội và khẩu đại liên cũng vừa xong. Anh em vừa nhai lương khô, vừa uống nước và nghe anh Hoàng phổ biến nhiệm vụ:
Đêm nay, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 sẽ nổ súng tấn công địch ở đồi Chư Đô. Khi Đại đội 2 nổ sung thì trận địa chúng ta sẽ hứng pháo địch và sáng mai, chắc chắn máy bay địch sẽ bắn phá ác liệt vào trận địa của chúng ta, không loại trừ tình huống địch đổ bộ vào đây. Do đó, tiểu đội ta phải chuẩn bị hai phương án đối phó: Bắn máy bay và đánh bộ binh địch. Các đồng chí phải chuẩn bị tinh thần chiến đấu thật tốt. Bằng giá nào cũng phải kiên quyết làm tròn nhiệm vụ trên giao. Phải giữ vững trận địa. Bây giờ các đồng chí kiểm tra lại xem nguy trang đã ổn chưa. Nếu chưa đảm bảo thì chuẩn bị tiếp. Các đồng chí phải chuẩn bị mặt nạ phòng độc, bông băng cá nhân và nước uống cũng phải hết sức tiết kiệm… Tất cả đều chuẩn bị chu đáo và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu thật cao.
Tiểu đội trưởng Vương Tử Hoàng đi kiểm tra sung, đạn, mặt nạ phòng hóa, túi cấp cứu cá nhân của từng người. Nơi chiến trường, sự cẩn thận, chu đáo của người chỉ huy chẳng bao giờ thừa cả. Sự khốc liệt, nghiệt ngã của chiến tranh đã rèn luyện cho người lính, dù là cán hay binh. Nghĩ một lát, anh Hoàng giao tiếp cho tôi và anh Hoàng Ngọc Loan đào thêm hai chiếc hầm cách trận địa đại liên chừng ba mươi mét và cách địch khoảng hai trăm năm mươi mét. Nhiệm vụ của tôi và anh Loan được anh Hoàng giao là cảnh giới, sẵn sàng đánh bộ binh địch từ đồi Chư Đô tràn sang. Tôi và anh Loan cũng lường trước được tính chất ác liệt của trận đánh sắp diễn ra nên làm hầm hào rất cẩn thận theo thế chi viện cho nhau. Tôi bảo anh Loan “Anh em mình cùng hỗ trợ đắc lực cho nhau nhé”. Hai anh em làm khẩn trương và mau lẹ, mồ hôi túa ra đầm đìa mà không dám uống nước. Ngắm bi đông nước rất them nhưng phải để dành cho ngày mai nữa.
Cũng may là đất ở đây là đất bazan nên cũng dễ đào công sự. Tựa lưng vào vách hầm mới đào, mùi đất bazan còn nồng nực, tôi nhìn lên bầu trời. Trời cao nguyên trong xanh và cao vời vợi. Trong khoảnh khắc căng thẳng trộn lẫn với hồi hộp, tôi chợt nhớ đến quê nhà, nhớ Cha tôi lắm. Giờ này nếu Cha còn sống, chắc là Cha sẽ trằn trọc lo cho tôi trận đánh đêm nay và nghe tin đài báo hằng ngày. Cha không còn nữa, tôi thì ở thật xa. Mới ngày nào mà đã tròn 5 tháng Cha tôi bị bom giặc Mỹ giết. Mộ Cha giờ đây chắc cỏ đã mọc xanh. Tới bao giờ tôi mới được trở về để thắp cho Cha nén hương tưởng niệm để tỏ lòng thành kính. Đêm nay và ngày mai, con sẽ trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Tôi lại nao nao nghĩ đến Thoa, giờ này em đang làm gì nhỉ? Lớp học đã tan chưa? Em còn học bài hay ngủ rồi? chắc em cũng lo cho tôi nhiều lắm. Tôi biết rằng em và tôi đang ở rất xa nhau nhưng trái tim và tình cảm vẫn luôn hướng về nhau. Nếu như em được nhìn thấy những gì khốc liệt mà người lính như tôi phải trải qua, chắc em thương tôi mà khóc cạn nước mắt. Lời thư của em văng vẳng bên tai tôi: “Anh ơi, em đã kể chuyện của chúng mình cho mẹ nghe rồi, mẹ cũng thương anh lắm. Mẹ bảo sao không đưa anh về quê chơi. Em có nói chúng con đang chuẩn bị thì anh đi bộ đội…”.
Rạng sáng ngày 5 tháng 3, Đại đội 2 chia làm ba mũi tấn công Đại đội lính Mỹ ở đồi Chư Đô bằng thủ pháo, lựu đạn và súng B40. Những tiếng thủ pháo, lựu đạn nổ chát chúa. Các lô cốt và hầm chỉ huy của địch lần lượt bị chiến sĩ ta chiếm lĩnh. Khi các hướng tấn công của ta vào trung tâm căn cứ đang phát triển tốt thì một tình huống bất ngờ xảy ra: Bộ binh địch chui hết xuống hầm, pháo lớn từ Chư Tăng Kra bắn cấp tập vào trận địa. Những tiếng nổ rền rã của bom đạn nghe chat chúa, chói tai. Máy bay địch quần lượn bắn phá không ngớt. Có chỗ lửa bốc cháy dữ dội. Do còn ít kinh nghiệm, lúng túng trong xử lý tình huống nên anh em C2 bị thương vong khá nhiều. Tuy nhiên, tổn thất của địch cũng không nhỏ. Sau mười lăm phút giao tranh, bảy mươi tên lính Mỹ đã bị tiêu diệt. Xác của chúng rải rác trên trận địa.
  Trời sáng. Nhìn sang căn cứ địch ở Chư Đô tôi thấy không còn nguyên vẹn như hôm qua nữa. Nhiều hố pháo lớn xuất hiện khiến cho quả đồi lở loét như người bị ghẻ kềnh. Hàng rào dây thép gai bùng nhùng, bị phá đi nhiều đoạn. Một số lô cốt, ụ hỏa lực bị san phẳng hoặc sứt mẻ nham nhở. Khói bụi vẫn bốc lên. Thời gian yên tĩnh không kéo dài. Từ Chư tăng-Kra pháo của địch đã bắt đầu sủa. Chúng bắn tấp cập vào đồi Cháy, hết đợt này đến đợt khác. Đất đá và những mảnh pháo bay rào rào, khói lửa trùm lên trận địa mịt mù. Tai chúng tôi ù đặc và nhức. Mấy con vượn đen trũi như than chạy nhảy hốt hoảng gọi nhau vang vọng cả khu rừng. Chúng kêu la hốt hoảng, những con sống sót thì cũng di chuyển sang hướng quả đồi bên kia. Pháo kích ngưng thì máy bay phản lực và trực thăng Mỹ đến ném bom na-pan và bắn rốc két. Từng vệt lửa hừng hực bốc cao trên mặt đất. Đồi Cháy vốn đã trơ trụi nay càng trơ trụi hơn. Lửa bom na-pan bén vào cả những cành cây ngụy trang của chúng tôi. Đồi Cháy bị tro than phủ kín một màu đen lem luốc. Chẳng nói gì cây cối, đất đá, mặt mũi, quần áo chúng tôi đen nhẻm hết lượt. Khẩu đại liên của tiểu đội chúng tôi đã đĩnh đạc lên tiếng. Chúng tôi có 3 người tập trung vào khẩu đại liên, người thì tiếp đạn, người xạ thủ, có nhiệm vụ bắn và người thì chuẩn bị. Tôi thì dùng súng bộ binh AK cùng bắn máy bay. Ai cũng tháo vát, nhanh nhẹn, khẩn trương. Bất chấp bom đạn của giặc, khẩu đại liên Cô-li-nốp nhằm vào máy bay phản lực và trực thăng nhả đạn. Lúc này không còn bí mật được nữa, chúng tôi một mất một còn đối mặt  với kẻ thù hung hãn.
Quần nhau với địch đến gần trưa thì như hình chúng phát hiện ra trận địa đại liên của ta hay sao mà chúng càng bắn phá ác liệt hơn. Mặt trời gần đứng bóng thì trực thăng bắn đạn hóa học xuống trận địa. Tôi và anh Loan thấy máy bay bắn từng quả như cục pin đại xuống gần hầm. Khi những quả đạn hóa học chạm đất thì phụt ra làn khói xanh và bay lan tỏa khắp mặt đất. Tôi thấy nước mắt cay sè, mũi khó thở liền nói như ra lệnh với anh Loan: Chất độc, đeo mặt nạ vào. Mặc cho việc chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng khi có chất độc tôi thấy hơi luống cuống. Sau món vũ khí hóa học ác hiểm là những màn bổ nhào ném bom của lũ máy bay phản lực. Kẻ địch cho rằng Việt cộng không chịu được khói đạn hóa học sẽ từ hầm chui lên và khi gặp bom, pháo sẽ thương vong nhiêu.
Im ắng được mấy phút, chúng tôi tranh thủ ăn cơm trưa. Ăn vội vàng qua quýt, thậm chí vừa ăn vừa nghĩ đến nhiệm vụ tiếp theo, nét mặt ai cũng căng thẳng, lo âu trước những khó khan, ác liệt đang diễn ra. Mặt mũi ai cũng nhọ nhem, chân tay chai sạn, tóc tai bơ phờ. Khi ăn cơm, ai cũng làm phép chùi tay vào quần áo cho đỡ bụi bẩn, nắm cơm cầm trên tay cũng dính tro than nhọ nhem. Mùi khói bom khét lẹt. Cổ họng khô khát nhưng anh em động viên nhau, cố gắng ăn hết khẩu phần để lấy sức chiến đấu với giặc. Miếng cơm cuối cùng chưa trôi khỏi cổ thì máy bay địch lại gầm rú trên đầu. Từng loạt, từng loạt bom sát thương, tiếp đến là bom cháy nổ đinh tai nhức óc, cả quả đồi bị giật phá rung lên theo làn sóng xung kích của bom. Mảnh bom, đất đá bay rào rào, khói lửa cuồn cuộn. Có lẽ nó đã đoán đúng khẩu đại liên có tác dụng tai hại như thế nào nên bọn chúng cũng dồn sức tiêu diệt. Bỗng một quầng lửa bùng lên hung dữ, trùm lên toàn bộ khẩu đại liên. Anh Hoàng thét lớn: “Địch ném bom napan trúng trận địa rồi, các đồng chí phải bình tĩnh”.- tiếng thét của anh khiến cho cả trận địa của chúng tôi chú ý và tập trung cao độ để chiến đấu và cảnh giác. Tôi và anh Loan cũng bị thương, hai bàn tay bị bỏng do dính chất cháy của bom. Quả bom sát thương nổ gần hầm không ai bị thương nhưng bị sức ép. Ngực đau, khó thở. Nhưng nhìn anh Hoàng như ngọn đuốc sống đang chỉ huy anh  em thì quên hết  cả đau đớn.
Tôi nhìn anh Hoàng - người chỉ huy của khẩu đội đại liên chúng tôi bị dính bom napan cháy như ngọn đuốc sống, vẫn chỉ huy khẩu đội đại liên bắn trả lại máy bay giặc. Hình ảnh ấy tôi không bao giờ quên được, cái ngỡ như chỉ xem trên phim ảnh hay đọc trên những trang báo lại là hiện thực trước mắt tôi. Chất anh hùng của người lính cách mạng là có thật chứ không phải do chúng ta bịa ra hoặc tô hồng cho nó đẹp thêm. Cùng lúc đó, hai chiếc máy bay trực thăng Mỹ đã bị trúng đạn tiểu liên, bốc cháy dữ dội và rơi ngay đồi bên cạnh.
 Anh Hoàng bị bỏng toàn thân vì lửa napan. Anh vẫn cố chịu đựng, dù rất đau đớn. Trong không khí yên tĩnh, chúng tôi bế anh nằm xuống hầm và băng bó cho anh, anh đã rất yếu. Bằng giọng nói rất nhỏ nhẹ, anh động viên chúng tôi: “Có thể bộ binh địch sẽ tấn công vào đây… cuộc chiến đấu diễn ra còn ác liệt lắm…anh em mình cố gắng giữ vững trận địa…. đừng cho địch chiếm”. Giọng nói của anh càng nói càng đuối dần, đôi mắt nhắm lại. Miệng hơi mấp máy muốn uống nước. Tôi lấy thìa bón cho anh ít nước. Anh uống nước thật ngon lành. Nhìn sắc mặt anh ngày càng nhợt nhạt, cái chết đang đến gần với anh từng giây mà chúng tôi bất lực, ai cũng xót thương. Tất cả anh em, những người đứng vây quanh anh, phần lớn đều bị thương, nhưng, ai cũng lặng lẽ lắng nghe từng lời của anh căn dặn. Rồi anh không nói được nữa. Khoảng 3 giờ chiều thì anh trút hơi thở cuối cùng. Anh mất đi giữa lúc trận địa còn mịt mù khói lửa. Nhưng trong lòng mỗi chiến sĩ vẫn rực lửa căm thù quân cướp nước, quyết biến đau thương thành hành động cách mạng.
Nhìn anh Hoàng nằm bất động trong hầm mà lòng tôi bùi ngùi xúc động. Anh như người anh cả, như người chị hiền trong đơn vị. Ngày nghe tin Cha mất, tôi suy sụp và khụy ngã hoàn toàn. Trong lúc khó khăn đến cùng cực ấy, anh là người chia sẻ động viên, an ủi và nâng bước tôi đi. Nếu không có anh chắc chắn tôi chẳng hành quân vào đây với đơn vị được. Trước trận đánh này, anh đã nhắc nhở chúng tôi kiểm tra rất kỹ về vũ khí, trang bị, lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra như địch dùng vũ khí hóa học chẳng hạn. Các phương án chiến đấu do anh vạch ra cho tiểu đội thật chính xác. Anh là con người không chỉ có lòng dũng cảm mà còn có nhiều thực tiễn trong chiến đấu.
 Anh ra đi khiến tôi thấy trống trải và buồn thương vô cùng. Tiếc thương một người chỉ huy tài giỏi, nhanh nhẹn, gần gũi, sâu sát anh em, giờ không còn nữa. Cả tiểu đội trĩu buồn. Mấy hôm trước, anh Hoàng đã nói với tôi: Sau ngày thống nhất giang sơn, thế nào cũng về quê thăm gia đình tôi, thăm quê Bác Hồ, thăm dòng Sông Lam thấm đẫm câu dân ca xứ Nghệ. Anh đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh gia đình anh. Bố mất sớm, mẹ ở vậy nuôi anh. Đã mấy lần mẹ mong anh về để lấy vợ. Mẹ anh đã già. Trước lúc đi bộ đôi, mẹ anh cũng đã chuẩn bị cho một cố gái trong làng xinh xắn, ngoan ngoãn và hay làm. Anh nói rằng chờ cho chiến tranh kết thúc sẽ về lấy vợ và sinh cho mẹ một đứa cháu để bồng. Anh cũng hy vọng, sau này đất nước thống nhất, anh sẽ về với cuộc sống ruộng vườn như ông bà, tổ tiên đã sống. Một ước mơ bình dị thế mà không thực hiện được. Không hiểu mẹ anh Hoang có linh cảm đến sự đau thương này không. Anh Hoàng ơi. Em coi anh như người anh cả, chị hiền, bao nhiêu lần anh đã động viên em, giúp đỡ để em vượt qua những nỗi đau, mất mát. Sau này thống nhất, nếu còn sống em sẽ về với gia đình anh. Tôi bồi hồi xúc động lẩm bẩm với anh linh Anh Hoàng. Mong anh an nghỉ suối vàng và phù hộ độ trì cho tiểu đội chúng tôi vượt qua thử thách ác liệt này.
Chiều chầm chậm qua đi, hoàng hôn buông xuống. Cánh rừng lúc này chợt im ắng nhưng vết tích của trận đánh vẫn còn  nóng bỏng. Vây bọc trận địa của chúng tôi là màn đêm nhàn nhạt của cao nguyên hòa trong ánh đèn dù nhập nhoạng ở phía đồn địch. Xa xa tiếng ì oàng của pháo cối địch. Chốc chốc lại có những đợt pháo kích từ phía Chư Tăng-Kra bắn lên xung quanh Chư Đô và đồi Cháy. Có lẽ đây là các đợt pháo kích cầm canh để bảo vệ Chư Đô. Tối ngày 5 tháng 3 năm 1969 khẩu đội đại liên chúng tôi được lệnh rút khỏi Chư Đô tiến về phía Ngọc Ta Lung để làm nhiệm vụ mới. Chúng tôi vừa hành quân vừa đưa thi hài anh em liệt sĩ và thương binh nặng ra phía sau. Có rất nhiều việc, thời gian lại gấp rút nên ai cũng khẩn trương, tranh thủ thời giờ. Nhìn  đồng đội nằm xuống, ai cũng xót thương. Có chiến sĩ thân thể không còn lành lặn, bê bết máu, thấm đỏ cả chiếc áo, đất cát bám đầy người. Cũng rất may lúc này có mấy đồng chí vận tải của tiểu đoàn nên thương binh, thi hài liệt sĩ và vũ khí được mang ra an toàn và kịp thời. Sau trận Chư Đô, khẩu đội tôi được bổ sung thêm quân để bước vào những trận đánh mới.
Đối với tôi, trận đánh này là trận đáng ghi nhớ. Hình ảnh ngọn đuốc sống Vương Tử Hoàng mãi mãi cháy trong tôi như một vầng sáng bất tử.