KÝ ỨC VỀ VĂN CÔNG QUÂN GIẢI PHÓNG TÂY NGUYÊN

Những người lính đã từng sống, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên chắc hẳn không ai quên đội Văn công xung kích Tây Nguyên. Hình ảnh những cô gái văn công xinh đẹp, dễ thương như Hoài Thu, Thanh Lịch, Rơ Chăm Phiang , YMau , Byă HZăm... và tiếng hát át tiếng đạn bom của họ như một thứ vũ khí đặc biệt tiếp thêm cho bộ đội sức mạnh để chiến thắng quân thù và để lại trong lòng mỗi người lính Tây Nguyên những tình cảm đặc biệt thật khó quên . Hôm nay trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu cùng bạn đọc Ký ức về những năm tháng sống, công tác tại Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên của diễn viên BYĂ H ZĂM .

KÝ ỨC VỀ VĂN CÔNG QUÂN GIẢI PHÓNG TÂY NGUYÊN

BYĂ-H ZĂM - nguyên diễn viên Đoàn Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên

Năm 1964 , mới 13 tuổi, tôi được tuyển vào Đoàn Văn công Đắk Lắc. Khi đó, cuộc sống đói khổ, thiếu thốn trăm bề. Nhưng với lòng yêu nghệ thuật, đêm ngày tôi miệt mài tập múa, tập hát không biết mệt mỏi.
Năm 1966, Đoàn đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng giải phóng thì bị biệt kích chỉ điểm cho máy bay oanh tạc vào đúng đội hình. Lần đó, một số đồng chí trong Đoàn hy sinh còn tôi bị thương. Theo giám định y khoa, mức thương tật của tôi là 16%.
Đầu năm 1968, Đoàn Văn công Đắk Lắc được điều về phục vụ Đại hội Chiến sỹ thi đua Mặt trận B3. Khi ấy, Đội Văn công xung kích B3 đang cần tuyển diễn viên là người các dân tộc Tây Nguyên. Thật vinh dự tôi được Đội chọn tuyển. Đoàn Văn công Đắk Lắc cử tôi ở lại với Đội. Từ đó, tôi trở thành người chiến sỹ diễn viên quân đội. Tôi rất vui và thầm nghĩ sẽ phấn đấu học tập chuyên môn, văn hóa, nghệ thuật thật tốt để được đến tận chiến hào phục vụ bộ đội giải phóng.
Những năm tháng sống , công tác tại Đội Văn nghệ xung kích B3-Văn công Quân giải phóng Tây Nguyên là những năm tháng không thể quên đối với tôi . Tôi xin ghi chép lại vắn tắt mấy mẩu chuyện đã trở thành kỷ niệm sâu sắc đối với tôi thời văn công xung kích B3.
* Văn công xung kích ra phía trước phục vụ
Những năm 1970, 1971, 1972, Đội liên tiếp đi phục vụ các Trung đoàn 24,28,40, 66 và 95. Trên đường đi cực kỳ vất vả, gian nan. Cái dốc rừng Kon Tum khi lên thì cao chót vót, lúc xuống thì sâu thăm thẳm. Trời mưa, đường trơn, eo ơi vắt lá dày đặc bủa vây bao quanh, cắn vào cổ chân, kẽ các ngón chân rối cả bắp chân, no căng, có con to như ngón tay út, trông mà nổi da gà , ghê rợn, tôi kêu rú lên, không dám nhìn lâu, lấy que buộc túm muối chấm chấm gạt nó đi. Dép cao su bị bật quai lên tận bắp chân, tôi ngã oành oạch. Tôi được mệnh danh là người chiếm giải nhất về ngã và “tụt tạt” sau cùng khi hành quân. Thấy vậy, anh YDu và anh Thi lui xuống để giúp tôi. Người đón ba lô, người mang giùm bao gạo nên tôi mới kịp đội hình của toàn Đội. Lên đến cổng trời giải lao, ăn cơm nắm anh nuôi gói cùng mắm kem, ăn cùng nước mưa. Bụng đói nhưng nhìn nắm cơm ướt, tôi sợ ăn vào thì đau bụng nhưng vứt đi thi đói, mệt hành quân sao nổi.
Mệt, vất vả nhưng rất vui. Khi đến đơn vị thấy bộ đội đã phạt bãi, dựng sân khấu đất cho Đội biểu diễn. Tối, đơn vị tập trung mấy đèn pin quéo của Mỹ (chiến lợi phẩm) treo lên cột cánh gà sân khấu lấy ánh sáng để xem văn công biểu diễn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ các tiết mục biểu diễn những năm đó. Đồng ca Tây Nguyên phất cờ khởi nghĩa, anh Thanh Phát sáng tác; tốp ca nam Cây sắn tấn công của anh Trần Bách; Nhớ Bác trên đường ra trận địa, ca ngợi bộ đội pháo binh khiêng pháo vào trận địa của anh Vũ Quý. Chị Thanh Lịch đơn ca Xuân chiến khu, Tiếng đàn ta lư, Đường cày đảm đang... Các tiết mục múa được bộ đội rất yêu thích như: múa Rông Chiêng, hát múa Tiếng chày trên sóc Bom Bo, múa Rung Khoong, đặc biệt múa Công tuôr của tôi được bộ đội vỗ tay kéo dài, tôi múa lại lần thứ hai, tuy mệt nhưng tôi rất vui. Rồi múa Lễ đâm trâu mừng chiến thắng. Nhưng tiết mục bộ đội yêu thích hơn cả là dàn nhạc nứa bày đứng kín cả sân khấu, toàn các nhạc cụ làm bằng nứa, trong đó nổi bật và rất lạ, độc đáo là đàn K’lông pút do chị YMau biểu diễn. Tiết mục kết thúc chương trình là màn hát múa Vương Văn Chài trên cửa mở Ngọc Rinh Rua, do anh Ngọc Báu sáng tác, anh Tiến Khải biên đạo phần múa phụ họa. Tiết mục này được Trung đoàn 66 rất cảm động vì Đội đã kịp thời ca ngợi dũng sỹ Vương Văn Chài của C2, K7, E66, người bộc phá viên dũng cảm đã ôm bộc phá đánh tung hàng rào mở cửa để đơn vị xông lên tiêu diệt gọn cứ điểm Ngọc Rinh Rua giữa ban ngày.
Những đợt ra phía trước phục vụ bộ đội, Đội liên tục hứng chịu những trận bom B57, bom B52 rải dọc đường giao liên, những trận pháo của địch từ các đồn câu về nơi đóng quân của bộ đội. Nhưng anh em trong Đội đều có ý chí, nghị lực vượt qua, không ai hoang mang dao động vì gian khổ và đạn bom ác liệt. Ra phía trước bom pháo như cơm bữa, nhưng rất may cả Đội không ai bị sao, thế là hạnh phúc nhất rồi.
* Kỷ niệm sâu sắc nhất
Giữa tháng 5/1971, Đội được lệnh xuống phục vụ Trung đoàn 95 ở cánh Nam. Mỗi tổ ca, múa, nhạc, kịch và hậu cần coi là một tiểu đội. Mỗi tiểu đội được trang bị từ 2 đến 3 khẩu AK, nữ thì mang súng các bin cho nhẹ. Sau hai ngày hành quân mệt mỏi, chiều ngày hôm sau, Đội tới một tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 95, nghỉ ngơi để chuẩn bị tối biểu diễn. Bỗng có hai trực thăng xương cá cứ bay lượn quanh mãi khu đóng quân của tiểu đoàn, nhưng không bắn phá gì. Tối, Đội vẫn biểu diễn phục vụ đơn vị. Khi màn đồng ca Tây Nguyên phất cờ khởi nghĩa, tiết mục cuối cùng vừa kết thúc thì bỗng nghe thấy tiếng súng bộ binh nổ chát chúa phía đỉnh đồi. Để đảm bảo an toàn tuyệt đội cho Đội, tiểu đoàn cử cán bộ cùng một tiểu đội bộ binh dẫn Đội hành quân ngay trong đêm về Trung đoàn bộ.
Đêm đã khuya lại đói, mệt nên tôi bị ngủ gật, chân cứ bước nhưng đôi mắt thì cứ díu lại, mơ mơ màng màng. Khi hai bàn chân vấp vào gốc cây, ụ đá thấy đau thì lại bừng tỉnh dậy, lại đi. Khi Đội đã đi xa nơi đóng quân của Tiểu đoàn thì được giải lao. Thế là tôi tranh thủ gục đầu trên ba lô ngủ thiếp đi.
Khoảng hơn 10 giờ sáng hôm sau thì Đội đến Trung đoàn bộ 95. Mọi người hạ ba lô, Trung đoàn mời ăn cơm với thịt bò tót sào, nấu canh. Chui cha ngon tuyệt. (Nghe nói đêm qua, Trung đoàn săn bắn được con bò tót to lắm). Chúng tôi được đơn vị bố trí hai người một hầm chữ A. Tôi định mắc võng nằm nghỉ ngủ chiều tối lấy sức biểu diễn. Nhưng tôi chưa kịp buôc dây võng xong thì đã thấy máy bay trực thăng xương cá bay vo vo, liệng quanh khu đóng quân. Rồi bất thần nó phóng rốc két Ục! Oàng! Ục! Oàng! Rồi nó xả súng máy liên hồi xuống khu vức đóng quân. Một lát sau, mấy chiếc phản lực thi nhau bổ nhào ném bom khoan, bom phạt, khiến cây cối bị cắt gãy hoặc đổ rạp ngổn ngang. Rồi pháo mặt đất từ các trận địa phía Đông câu về nổ Ùng! Oàng! Ùng Oàng! Ngồi trong hầm tôi phải nút lỗ tai nhưng vẫn bị váng đầu muốn nôn ọe. Tối đã nghĩ đến cái chết 100%. Tôi gục đầu trên gối và nghĩ miên man cho số phận chắc sẽ kết thúc ở đây. Tối nhớ từ lúc trực thăng bắt đầu phóng rốc két là hơn 10h30. Mãi đến hơn 4h30 chiều tiếng bom, tiếng pháo mới thưa dần rồi ngưng hẳn. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Cuối cùng thì nó cũng cút đi rồi. Cả Đội vẫn cùng Trung đoàn bộ bám trụ kiên cường. Tất cả lên mặt đất chạy đến các hầm hỏi thăm nhau. May quá, tất cả đều an toàn, thế là tiếng cười lại vang lên. Ngay sáng hôm sau, Đội vẫn biểu diễn phục vụ bộ đội. Nhưng vừa biểu diễn được mấy tiết mục thì lại nghe tiếng súng bộ binh nổ gần nơi đóng quân. Tiếng súng cứ rộ lên nhiều đợt hơn. Trung đoàn cho biết bọn trực thăng đổ bộ biệt kích để thám báo, chỉ điểm cho máy bay oanh tạc. Đại đội bộ binh của ta đang vây đánh địch, Thế là Đội lại được lệnh hành quân về hậu cứ ngay. Khi đội hình vừa qua một dòng suối thì gặp trực thăng lượn đi, lượn lại nên cả đội tìm nấp vào các gốc cây, ụ mối. Khi trực thăng sà sát đầu ngọn cây, tôi thấy một thằng Mỹ đang quay rê súng máy quét tia lửa kéo thành những vệt dài xuổng khu rừng. Tôi chửi “Mẹ cha mày, tao lên đan bắn vỡ sọ mày bây giờ” và tôi lên đạn thật. Tiếng lên đạn khẩu các bin kêu đánh roạt! Bỗng có tiếng chị Tỵ quát “Đừng bắn! Lộ đội hình bây giờ là chết hết!”. Tôi sực tỉnh, tự trách “Ừ nhỉ, sao mà mình ngu thế!”. Một lát sau, toàn Đội chạy tới khu rừng già, nơi có hầm doanh trại cũ của bộ đội. Tiếng trực thăng cũng thưa dần, xa dần...
Khi toàn Đội về đến bên này suối Tà Bộp thì trời đã xẩm tối Mưa trên thượng nguồn nước dâng, suối sâu chảy xiết. Toàn Đội được lệnh lấy tăng, ni lông bọc ba lô để bơi vượt suối. Tôi thấy mọi người đưa dìu nhau bơi qua suối. Tôi cứ đứng loay hoay chưa biết tính sao thi bỗng bên cạnh có tiếng anh Thi (là chồng tôi bây giờ) “Đi với anh, em cứ bám thật chặt vào bao ni lông ba lô bơi ở phía trên dòng nước, anh bơi phía dưới để phòng em bị trôi”. Khi bơi gần đến bờ bên kia thì bị sóng nước cuốn dữ dội, tôi bị trượt tay khỏi bao ni lông và bị lũ cuốn đi. Trong đầu tôi vụt nghĩ “Thoát chết vì đạn bom chắc chết vì lủ cuốn đây”. Tôi kêu cứu! Rất nhanh, anh Thi lao theo dòng nước xiết, nắm được tay tôi, lôi tôi vào sát bờ. Rồi anh lại kịp lao ra túm được cả hai bọc ba lô. Tôi vô cùng cảm động về người đồng chí, đồng đội đã cứu tôi thoát khỏi tử thần. Và tôi cũng xin tiết lộ, tình yêu giữa hai chúng tôi cũng bắt đầu từ cái đêm vượt suối lũ dữ Tà Bộp ấy.
Nay cuộc sống đã yên bình. Nhưng những kỷ niệm về thời Văn công xung kích B3 với tôi đã hằn sâu trong trí nhớ không bao giờ có thể phai mờ. Tôi về Đoàn từ năm 1968 đến năm 1973 thì bố nuôi tôi là Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (nguyên Tư lệnh Mặt trận B3) mang theo tôi ra Bắc cho học văn hóa, học nghề rồi về công tác tại Bệnh viện Quân y của Quân khu I, đóng tại Thành phố Thái Nguyên. Cũng từ Đoàn Vãn công xung kích B3 (nay là Đoàn Văn công QGP Tây Nguyên) đã mang đến cho tôi người bạn đời yêu quý là anh Trần Mạnh Thi và một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay. Tôi tự hào mình được là một người lính của Đoàn Văn công QGP Tây Nguyên.
Buôn Ma Thuột
Tháng 10/2017