CỜ NHỎ, CỜ TO! ĐƠN VỊ NÀO ĐÁNH CHIẾM TRƯỚC VÀ CẮM CỜ TRƯỚC Ở BỘ TỔNG THAM MƯU QUÂN ĐỘI SÀI GÒN SÁNG 30/4/75 ?

CỜ NHỎ, CỜ TO! ĐƠN VỊ NÀO ĐÁNH CHIẾM TRƯỚC VÀ CẮM CỜ TRƯỚC Ở BỘ TỔNG THAM MƯU QUÂN ĐỘI SÀI GÒN SÁNG 30/4/75 ?
                                                           Nguyễn Đình Thi - Nguyên cán bộ Tuyên huấn Sư đoàn 10

Chuyện đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn và cắm cờ ở đây đã 42 năm nhưng đến nay anh em Sư đoàn 10 vẫn còn rất bức xúc. Chuyện Sư đoàn 10 chiếm Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn trước và cắm cờ ở đây trước là sự thật lịch sử rất rõ ràng không có gì phải bàn cãi, thế nhưng Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 lại cho rằng họ là đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn và cắm cờ ở đây sáng 30/4/75. Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 cũng đã cấp giấy chứng nhận cắm cờ trên nóc nhà Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn cho đồng chí Nguyễn Duy Đông - quê thôn An Định - xã Thuỵ Văn - Thái Thuỵ - Thái Bình và 2 đồng chí trong tổ cắm cờ của Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B. Ngày 15/4/2016, Báo Quân đội Nhân dân mục SỰ KIỆN VÀ NHÂN CHỨNG không tìm hiểu kỹ lưỡng cũng đăng bài viết của tác giả Việt Hà viết về tổ cắm cờ của Sư đoàn 320B ở Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn sáng 30/4/75 mà hoàn toàn không đả động gì tới việc Sư đoàn 10 đã vào chiếm trước và cắm cờ trước ở đây. Với bài viết trên báo Quân đội Nhân dân đã vô tình CHO BẠN ĐỌC VÀ THẾ HỆ SAU HIỂU LẦM MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG là: Sư đoàn 320B là đơn vị đầu tiên vào chiếm Bộ Tổng Tham Mưu Nguỵ và chỉ có Sư đoàn 320 cắm cờ ở đây. Đây là một điều đáng tiếc với một tờ báo như Báo Quân đội Nhân dân. Sự thật có phải Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B là đơn vị đầu tiên vào chiếm toà nhà chính của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn không? và có phải 3 đồng chí Nguyễn Duy Đông, Đỗ Xuân Hương và Trịnh Bá Uẩn là những người đầu tiên vào cắm cờ lên nóc nhà Bộ Tổng Tham Mưu sáng ngày 30/4/75 không thì hoàn toàn không phải. Mà sự thật là Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B vào toà nhà Tổng hành dinh Quân đội Sài Gòn sau Sư đoàn 10 và cắm cờ ở đây cũng sau Sư đoàn 10. Sử sách của Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 viết gì thì viết, Sư đoàn 10 chúng tôi vẫn khẳng định là Sư đoàn 320B vào toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn sau Sư đoàn 10 và cắm cờ ở đây cũng sau Sư đoàn 10. ĐÂY LÀ MỘT SỰ THẬT LỊCH SỬ KHÔNG THỂ KHÁC. Chúng tôi xin cung cấp các thông tin để bạn đọc có thể đánh giá đơn vị nào vào Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn trước và đơn vị nào cắm cờ ở đây trước.
Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn là 1 trong 5 mục tiêu quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là mục tiêu địch phòng thủ mạnh nhất trong 5 mục tiêu ta tấn công Sài Gòn. Tại đây địch bố trí các loại hỏa lực rất mạnh để phòng thủ như xe tăng M48, xe bọc thép M113, hỏa tiễn chống tăng các loại cùng một lực lượng tinh nhuệ là Liên đoàn 81 biệt kích Dù với quân số khoảng gần 2000 tên. Khu vực phòng thủ chính của địch ở Bộ Tổng Tham Mưu lại tập trung ở phía trước cổng chính số 1. Đơn cử để các bạn biết là lúc hơn 9 giờ 30 sáng ngày 30/4/75, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn. Thiếu tá Phạm Châu Tài chỉ huy lực lượng quân Dù phòng thủ tại Bộ Tổng Tham Mưu còn khuyên Dương Văn Minh không ngừng bắn và nói sẵn sàng đưa quân và xe tăng từ Bộ Tổng Tham Mưu về bảo vệ Phủ Tổng Thống. Điều này để các bạn thấy lực lượng địch phòng thủ ở đây là rất mạnh và rất ngoan cố.
Nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu Bộ Tổng Tham Mưu địch được giao cho Quân đoàn 1, đối với Quân đoàn 3 mục tiêu này là mục tiêu phát triển tiếp sau mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư Lệnh Sư đoàn Dù, Bộ Tư Lệnh không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 không quân. Nhưng lúc 3 giờ sáng ngày 30/4/1975, sau khi thấy hướng tấn công của Quân đoàn 3 trong ngày 29/4/75 phát triển khá thuận lợi, Sư đoàn 320 đã làm chủ căn cứ Đồng Dù, Trung đoàn 24 - Sư đoàn 10 đã vào sát Sân bay Tân Sơn Nhất, hiện đang ở ngã 3 Bà Quẹo. Trong khi đó lực lượng chính đánh Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn là Quân đoàn 1 vẫn còn ở dưới Thủ Dầu Một. Lực lượng của Sư đoàn 10 lúc này vẫn còn rất sung sức nên Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 quyết định không dùng Trung đoàn 28 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất từ hướng Bắc như kế hoạch ban đầu mà chuyển sang nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu, vì Trung đoàn 24 đã vào sát sân bay Tân Sơn Nhất mà từ sân bay Tân Sơn Nhất vào Bộ Tổng Tham Mưu rất gần . Kế hoạch ban đầu của Trung đoàn 28 là sử dụng Tiểu đoàn 2 là đơn vị đột phá đầu tiên đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu song trên đường tấn công Tiểu đoàn 2 bị thương vong khá lớn. Ban chỉ huy Trung đoàn 28 quyết định sử dụng Tiểu đoàn 3 thay Tiểu đoàn 2, đồng thời tăng cường thêm 5 xe tăng T54, 6 xe bọc thép K63 cho Tiểu đoàn 3 làm mũi đột kích mạnh đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu. 9 giờ sáng 30/4/75 mũi đột kích của tiểu đoàn 3 đã tới Lăng Cha Cả. Khi đến đây, thấy phía trên Lăng Cha Cả xe tăng ta cháy trên đường Võ Tánh chặn mất lối, Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi quyết định cho Tiểu đoàn 3 rẽ phải đánh theo đường Trương Minh Ký qua nhà thờ Tân Châu Sa sang đường Thái Ngọc Hậu rồi đánh vào Bộ Tổng Tham Mưu. Địch ở 2 bên đường và phía trước cổng số 1 của Bộ Tổng Tham Mưu chống trả quyết liệt nhưng vẫn không cản được mũi tiến công của Trung đoàn, 1 xe tăng M41 và 1 xe gắn súng máy 4 nòng của địch đã bị bắn cháy, số còn lại bỏ chạy vào Bộ Tổng Tham Mưu. Khoảng 10 giờ lá cờ đầu tiên của ta đã được tổ cắm cờ của Đại đội 10 -Tiểu đoàn 3 cắm ở cổng chính số 1 Bộ Tổng Tham Mưu địch. Thừa thắng, 5 xe tăng, 6 xe bọc thép K63 cùng bộ binh Tiểu đoàn 3 bắt đầu đột phá sâu vào trong cổng chính số 1. Mũi thứ nhất do Chính trị viên C10 Lê Quang Vững chỉ huy cùng 2 xe tăng , 1 xe bọc thép K63 đánh vào phía Đông Nam Bộ Tổng Tham Mưu. Mũi thứ 2 cùng 3 xe tăng, 5 xe bọc thép K63 đánh thẳng vào toà nhà chính của Bộ Tổng Tham Mưu. Địch từ nóc toà nhà chính Bộ Tổng Tham Mưu dùng súng 12ly8 bắn trả quyết liệt vào đội hình Đại đội 10, lập tức bị xe tăng ta nổ súng tiêu diệt. Xe tăng và bộ binh Tiểu đoàn 3 đã nhanh chóng tiêu diệt các mục tiêu còn lại, một đại đội địch bảo vệ toà nhà đã đầu hàng. Xe tăng 982 do Chính trị viên đại đội tăng 5 Nguyễn Văn Thìn chỉ huy cùng bộ binh C10 lao thẳng vào bậc thềm toà nhà chính Bộ Tổng Tham Mưu. 10 giờ 20 phút,Tiểu đoàn 3 -Trung đoàn 28 - Sư đoàn 10 cùng xe tăng Trung đoàn 273 đã hoàn toàn làm chủ toà nhà này và cắm cờ lên chính giữa toà nhà. Sau đó Trung đoàn tổ chức lực lượng chốt chặn bảo vệ toà nhà và thu đầy một xe zép hiện vật và tài liệu quan trọng của địch ở đây. Có những hiện vật rất quan trọng như cờ Bộ Tổng Tham Mưu, con dấu của Bộ Tổng Tham Mưu Nguỵ, thanh kiếm của đại tướng Cao Văn Viên, con dấu của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ...
Đại tá Lê Ngọc Tùng - Nguyên Chỉ huy trưởng Quận đội Đống Đa, hiện sống tại Hà Nội lúc đó là Tham Mưu phó Trung đoàn 28 người trực tiếp cùng Tiểu đoàn 3 đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu kể về việc gặp lực lượng Trung đoàn 48 ở cổng số 1 như sau: ( Trung đoàn 28 lúc đó có 2 Tham mưu phó )
- Khoảng 10 giờ 45 , sau khi chiếm xong toàn bộ toà nhà Tổng hành dinh Bộ Tổng Tham Mưu và tổ chức canh giữ bảo vệ. Lúc đó tại cổng chính số 1 thấy một lực lượng của Trung đoàn 48 -Sư đoàn 320B đi cùng 1 chiếc xe bọc thép đến. Tôi lệnh cho lực lượng chốt giữ cổng chính đóng cổng sắt không cho vào vì mục tiêu này chúng tôi đã chiếm xong và đang bảo vệ. Do không được vào số anh em này rất bực tức đã dùng súng AK bắn vỡ cả cửa kính phòng bảo vệ, rất may không ai làm sao, họ còn bắn lên trời nhằm đe dọa chúng tôi. Sau khi không vào cổng chính số 1 được lực lượng này cùng chiếc xe bọc thép đã quay sang cổng số 2 ở phía sau để tiến vào Bộ Tổng Tham Mưu.
Đại tá Võ Hùng Kháng hiện đang sống tại thôn Thanh Phong, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận, lúc đó cũng là Tham mưu phó Trung đoàn 28 người trực tiếp cùng Tiểu đoàn 3 đánh chiếm Tổng hành dinh Quân đội Việt Nam Cộng hoà kể như sau:
" Sau khi trực tiếp cùng anh em C10 cắm cờ ở nóc toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn xong đi xuống, khi xuống đến tầng 2 thì gặp mấy đồng chí của Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B vác cờ đi lên. Lý do tôi biết người của Trung đoàn 48 là vì thấy ký hiệu ở trên áo không phải người của đơn vị (Trong chiến dịch Hồ Chí Minh tất cả mọi người tham gia Chiến dịch đều ghi ký hiệu đơn vị mình trên áo). Tôi chặn lại. Thấy tôi căng, một đồng chí đi cùng nhóm người này giới thiệu là Trung đoàn phó Trung đoàn 48 -Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 ( không giới thiệu tên ). Giới thiệu xong đồng chí nói với tôi :
- Chúng tôi đến sau nhưng cờ của các đồng chí nhỏ, cờ của chúng tôi to. Đề nghị đồng chí cho chúng tôi thay cờ này vào vị trí cờ của các đồng chí để quay phim chụp ảnh cho đẹp !
Đúng là cờ của chúng tôi nhỏ thật, nhưng tôi vẫn kiên quyết không cho họ lên cắm cờ. Tôi nói với đồng chí Trung đoàn phó Trung đoàn 48 :
-Tôi biết nhiệm vụ của Quân đoàn 1 các anh là đánh Bộ Tổng Tham Mưu nhưng các anh đến sau các anh phải chấp nhận. Các anh có biết bao bộ đội của tôi ngã xuống trên đường vào đây không ? Ai diệt xe tăng địch ở đây để các anh cắm cờ ? Tôi dứt khoát không cho lên, thậm chí tôi còn dọa :
- Các anh không nghe, lơ mơ là tôi đạp xuống chân tường đó !
Sau một hồi cãi nhau căng thẳng, sau tôi nghĩ: Cờ của mình đã cắm ở vị trí chính giữa toà nhà rồi cho họ cắm vào góc cũng không sao, giả sử sau này có tranh chấp thì chẳng ai công nhận lá cờ cắm ở góc toà nhà nên tôi đã nhân nhượng - đồng ý cho họ lên cắm cờ và yêu cầu :
1 : Cờ của Quân đoàn 1 cắm vào góc bên phải toà nhà nhìn từ trên xuống .
2 : Không được thay thế cờ chúng tôi đã cắm ở giữa toà nhà .
Tôi và anh em C10 còn đứng tại nóc toà nhà giám sát sự việc trên và họ đã làm đúng như tôi yêu cầu
Tầm 12 giờ 30 phút, cũng có một nhóm người nữa của Sư đoàn 320B đến cổng số 1 tôi cũng không cho vào, 1 đồng chí đi cùng nhóm người này chỉ vào một người và giới thiệu với tôi đây là đồng chí Lưu Bá Sảo - Sư trưởng Sư đoàn 320B, khi biết đồng chí này là Sư trưởng tôi cũng không cho vào. Tôi nói:
- Hiện nay chúng tôi đang quản lý và bảo vệ mục tiêu này. Tất cả nội bất xuất, ngoại bất nhập, kể cả đồng chí là Sư trưởng nhưng lính của các đồng chí không có ở đây thì đồng chí vào đây làm gì? Tôi kiên quyết không cho đồng chí Lưu Bá Sảo vào. Thấy tôi căng đồng chí Lưu Bá Sảo dọa tôi:
- Đồng chí không cho tôi vào tôi sẽ bắn đồng chí ( lúc đó đồng chí Lưu Bá Sảo có khẩu cácbin ).
Tôi nói :
- Đồng chí là cán bộ đồng chí không nên nói vậy. Đồng chí có giỏi đồng chí cứ bắn, nhưng đồng chí bắn một viên thí sẽ có một ngàn viên AK bắn vào đồng chí ! ( Đồng chí Lưu Bá Sảo nếu còn sống chắc không quên câu chuyện này )
Cuối cùng tôi vẫn không cho vào. Đến chiều do đồng chí Lưu Bá Sảo là người họ hàng với đồng chí Lưu Quý Ngữ - Chính ủy Sư đoàn 10. Sau khi có ý kiến đồng chí Lưu Quý Ngữ chúng tôi mới giải quyết cho đồng chí Sảo vào. Chúng tôi còn ở lại bảo vệ mục tiêu này tới sáng ngày 1/5/1975 mới bàn giao lại cho đơn vị bạn quản lý toà nhà. Đêm 30/4/1975, tại toà nhà này đồng chí Vũ Lăng - Tư Lệnh Quân đoàn 3 và đồng chí Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy Quân đoàn cũng đã ngủ lại tại đây cùng cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 28.
Thiếu tá Nguyễn Trần Vân Quý - Nguyên cán bộ Cục Tuyên huấn - Tổng cục chính trị , Nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế Tổng cục Hải quan lúc đó là Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn trực tiếp đánh chiếm Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn hiện sống tại Hà Nội kể :
Sau khi đánh tan lực lượng địch ở phía trước cổng chính số 1, đội hình Tiểu đoàn chia thành 2 mũi đánh vào Bộ Tổng Tham Mưu. Lá cờ đầu tiên của Tiểu đoàn được 2 đảng viên trẻ Nguyễn Xuân Tân và Lê Xuân Lựu cắm ngay tại cổng số 1. Sau khi chiếm và bố trí canh giữ toàn bộ toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu, khoảng gần 1 giờ sau một lực lượng của Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B tới cổng số 1 nhưng cổng chính số 1 do Trung đoàn 28 canh giữ đã đóng. Khi thấy lực lượng Sư đoàn 10 đã chiếm được Bộ Tổng Tham Mưu và không vào được, đồng chí đại đội trưởng đại đội cắm cờ của Trung đoàn 48 đã đứng ngoài khóc .
Bằng chứng cứ những hình ảnh sau đây thì Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết cũng không thể chứng minh được họ vào toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn trước Sư đoàn 10 và cắm cờ ở đây trước Sư đoàn 10.
1.Trong bức hình 1 lá cờ nhỏ của Sư đoàn 10 cắm tại vị trí chính giữa toà nhà , nơi trước đó có cờ của Ngụy quyền Sài Gòn. Trong nghề Luật của tôi gọi đây là chứng cứ biết nói , chứng cứ không thể thay thế . Nếu Sư đoàn 320B vào trước Sư đoàn 10 thì chả có lý do gì cờ của Sư đoàn 320B rất to lại không cắm vào vị trí chính giữa toà nhà , nơi đang treo cờ Nguỵ quyền Sài Gòn mà lại đi cắm vào góc toà nhà ? Qua hình ảnh này càng cho thấy lời Tham mưu phó Trung đoàn 28 - Võ Hồng Kháng nói là chính xác.
2. Cũng trong bức hình này ta thấy cờ nhỏ của Sư đoàn 10 ở giữa toà nhà đã cắm xong , chưa cần nói xong trước đó bao nhiêu thời gian, còn lá cờ to của Sư đoàn 320 vẫn còn 2 người loay hoay buộc dây. Từ đó một người bình thường nhất cũng có thể suy đoán ra đơn vị nào vào cắm cờ trước ở đây. Chỉ với bức ảnh trên chúng ta đã thấy được tất cả sự thật.
3. Hình ảnh đội hình xe tăng Trung đoàn 28 sau khi chiếm mục tiêu Bộ Tổng Tham Mưu Nguỵ và chốt giữ tại đây không có bất kỳ một xe tăng xe bọc thép nào của Sư đoàn 320B . Thử hỏi với một chiếc xe bọc thép và một trung đội bộ binh Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B có thể đánh chiếm được mục tiêu này không ? ( Theo Sử của Sư đoàn 320B tổ cắm cờ của Nguyễn Duy Đông cùng một Trung đội đi trên một chiếc xe bọc thép đến cổng số 1 bị địch chặn không tiến lên được đành quay lại cổng sau số 2 để tiến vào Bộ Tổng Tham Mưu )
Sự việc đánh chiếm và cắm cờ ở toà nhà chính của Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn sáng 30/4/75 là vậy. Rất may sau 42 năm đánh chiếm toà nhà chính Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn ngày hôm đó rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 3 và Trung đoàn 28 vẫn còn sống. Chúng tôi rất muốn đồng chí Trung đoàn phó Trung đoàn 48 hôm đó, các đồng chí Sư đoàn 320B và tổ cắm cờ của Trung đoàn 48 gồm 3 đồng chí: Nguyễn Duy Đông - quê An Định - xã Thuỵ Văn - Thái Thuỵ -Thái Bình cùng đồng chí Đỗ Xuân Hương, quê Thuỵ Văn - Thái Thuỵ - Thái Bình và đồng chí Trịnh Bá Uẩn và tất cả các đồng chí cùng tham gia tranh luận để làm sáng tỏ sự thật này. Chúng tôi cũng mời tác giả Việt Hà người viết bài báo số ra ngày 15 tháng 4 năm 2016 trên mục Sự kiện và Nhân chứng của báo Quân đội Nhân dân cùng tham gia tranh luận để trả lại SỰ THẬT LỊCH SỬ CHO TRẬN ĐÁNH NÀY .
Chúng tôi xin cung cấp tư liệu một số hình ảnh để các đồng chí tham khảo.
Hình 1. Cờ nhỏ của Sư 10 cắm ở chính giữa toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu Nguỵ sáng 30/4/75 , nơi trước đó có treo cờ của Nguỵ quyền Sài Gòn . Lá cờ to ở góc phải toà nhà ( từ trên nhìn xuống ) là cờ do Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 cắm.
Hình 2. Nguyễn Duy Đông - Trung đoàn 48 - Sư đoàn 320B - Quân đoàn 1 đang chỉ cho phóng viên xem hình ảnh lá cờ mà mình đã cắm ở góc toà nhà Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Sài Gòn .
Hình 3. Xe thiết giáp của Trung đoàn 28 chốt giữ cổng chính số 1 - Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn.
Hình 4. Lá cờ đầu tiên được Trung đoàn 28 cắm ở cổng chính Bộ Tổng Tham Mưu Quân đội Sài Gòn sáng 30/4/75 .