CÁC TƯỚNG LĨNH MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN TRUNG TƯỚNG - NGUYỄN QUỐC THƯỚC

CÁC TƯỚNG LĨNH MẶT TRẬN TÂY NGUYÊN
TRUNG TƯỚNG - NGUYỄN QUỐC THƯỚC

Tướng Nguyễn Quốc Thước là một vị tướng trận mạc . Ông sinh ngày 3/2/1926 , tại Nghi Diên - Nghi Lộc - Nghệ An . Năm 1965 ông vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên . Tháng 4 năm 1970 , chiến trường Lào ở A Tô Pơ gặp khó khăn , ông dẫn Trung đoàn 24 thiếu được tăng cường Tiểu đoàn 2 - Trung đoàn 28 sang chiến đấu ở đây . Chỉ trong vòng 2 ngày , Trung đoàn 24A do ông chỉ huy đã quyét sạch quân địch ở đây , giải phóng thị xã A Tô Pơ . Sau đó phát triển tấn công , giải phóng tiếp cao nguyên Pô Lô Ven . Tiếp đó ông lại nhận lệnh đưa Trung đoàn từ A Tô Pơ - Lào sang CPC chiến đấu . Đường từ A Tô Pơ ( Lào ) đến vùng đông Bắc CPC khá xa , lại chưa biết đường , gạo thì vẻn vẹn có 7 ngày . Biết bao khó khăn chồng chất . Ấy vậy mà Trung đoàn 24 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ . Đã giải phóng Stung Cheng , rồi giải phóng toàn bộ tỉnh Prei Vi Hia CPC , tạo điều kiện rất thuận lợi cho cách mạng CPC lúc đó . Chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh năm 1972 , Trung đoàn 28 do ông chỉ huy có nhiệm vụ cắt đường 14 ở đoạn Võ Định , không cho địch ở thị xã Kon Tum đến chi viện cho căn cứ 42 ở Tân Cảnh . Hầm của ông bị bom B52 đánh sập , mọi người moi mãi mới tìm thấy ông . Khi tỉnh lại , ông quyết không nhập viện . Ông nghĩ nhiệm vụ cắt đường lúc này rất quan trọng , mình đi viện lúc này sẽ gây tâm lý hoang mang cho bộ đội , mặc dù rất mệt ông vẫn ở lại chỉ huy chiến đấu . Trong trận đánh này Trung đoàn 28 do ông chỉ huy đã bẻ gẫy nhiều đợt tấn công của địch , cắt đứt đường 14 . Góp phần quan trọng cho chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh thắng lợi . Nhắc tới ông người ta nhắc tới một vị Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên , một chiến dịch đã tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử giải phóng đất nước mùa xuân năm 1975 của dân tộc . Trong Chiến dịch này ông có một vinh dự đặc biệt được thay mặt Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Hà Nội báo cáo trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhận những chỉ thị từ Đại tướng Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu . Khi về Tây Nguyên , ông cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xây dựng phương án tác chiến , bày binh bố trận một chiến dịch thật tuyệt vời . Giành thắng lợi vang dội làm nức lòng cả nước . Ông có rất nhiều những chức danh lớn như Uỷ viên Trung ương Đảng , Tư lệnh Quân khu 4 , Tư lệnh Quân đoàn 3 , Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên , Đại biểu Quốc hội 3 khoá liền ( khoá 8 , 9 , 10 ) , ấy vậy mà mỗi lần gặp mặt đơn vị hoặc ông đi gặp anh em đồng đội ở các đơn vị , các địa phương , anh em chẳng ai đọc chức danh ông mà chỉ gọi ông bằng một cái tên rất thân tình " Cụ Thước " , giống như gọi Cha , Chú trong gia đình . Chắc rất ít những vị Tướng lĩnh của ta hiện nay được lính gọi như vậy . Tại sao những người lính Tây Nguyên và những người lính dưới quyền chỉ huy của Ông lại yêu quý Ông , kính trọng Ông và ngưỡng mộ Ông như vậy , trước hết ông là người chỉ huy có tâm và có tài , hết lòng vì Lính , yêu thương Lính như con em ruột thịt trong nhà . Những ngày chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên , dù ở cương vị chỉ huy cấp đại đội , tiểu đoàn , trung đoàn hay Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên rồi Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 , ông luôn luôn suy nghĩ , tìm tòi các biện pháp , các cách đánh để sao Lính ít thương vong nhất . Ông nghĩ : những người lính cũng như ông , họ đều có cha , có mẹ , có vợ , có con . Họ ngã xuống cũng như mình ngã xuống , cha mẹ , vợ con , anh em họ sẽ đau khổ biết bao . Là chỉ huy ông luôn đồng cam cộng khổ cùng lính ra tận chiến hào nằm với lính , cùng bò vào tận hàng rào địch với lính , cùng ăn những ngày 1 , 2 lạng gạo với lính , có thời kỳ chiến trường Tây Nguyên quá khó khăn , không có gạo phải chuyển cánh sang Lào , dọc đường hành quân không gạo , ông cũng cùng lính ăn rau rừng để sống . Sau này trở thành vị Tướng trong quân đội , có chức tước cao nhưng không bao giờ Ông không nghĩ tới người Lính . Mỗi lần gặp mặt đơn vị , có các vị Tướng lúc ông là Tướng vẫn còn là lính , Ông luôn căn dặn anh em Tướng lĩnh trẻ phải luôn cảm ơn anh em đồng đội , không có những người lính chiến đấu dũng cảm , những người lính đã hy sinh chắc gì mình còn sống và trở thành Tướng . Vì có cách nhìn đúng về lính nên lúc nào nhà ông cũng luôn có đồng đội bạn bè đến chơi , thăm hỏi ông . Có những người lính ở những vùng rất xa , nhà cũng nghèo chẳng có gì nhưng có dịp vẫn gửi quà biếu Ông , mặc dù món quà chẳng đáng giá là bao , khi thì cân cam , khi thì ít đặc sản vùng miền , cái chính là tấm lòng của những người lính với Ông chứ nhiều ông Tướng lúc còn chức , quyền thì hét ra lửa , khi về nghỉ hưu thì chả còn ai đến chơi , đến thăm . Cũng như bất kỳ người lính nào Ông luôn là người trung thành tuyệt đối với Đảng , với Tổ Quốc , với nhân dân . Ông luôn đặt lợi ích của Đảng , của Dân tộc , của Đất nước lên trên hết . Thời chiến , lúc còn ở chiến trường Tây Nguyên , Ông luôn trăn trở làm sao nhanh chóng giải phóng Tây Nguyên để đồng bào đỡ khổ , đất nước mau chóng thống nhất . Khi hoà bình , mặc dù đã về hưu nhưng Ông vẫn tích cực đóng góp những ý kiến tâm huyết để xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước . Là vị Tướng sống đức độ , thanh liêm ,ông luôn phê phán thói hư , tật xấu của một số cán bộ có chức , quyền thoái hoá , biến chất ,nói những vấn đề bức xúc của nhân dân , những vấn đề nóng hổi của đất nước , chính vì vậy Ông được nhân dân cả nước biết tên và quý mến , ông là số ít những đại biểu Quốc hội được dân bầu 3 nhiệm kỳ liên tiếp ( khoá 8 , 9 , 10 ) , đến nhà ông chắc mọi người sẽ hết sức ngạc nhiên vì nghĩ một vị Tướng như Ông sẽ ở nhà to , đẹp , ở những vị trí đắc địa , trung tâm . Nhưng không , ông vẫn sống ở mảnh đất và dãy nhà mà quân đội phân cho từ thời bao cấp ở một làng mà ngày trước gọi là làng ven đô , với những đồ dụng vẫn của thời bao cấp . Là Tướng chiến trường , khi là đại biểu Quốc hội mọi người còn gọi ông là " Tướng tên nghị trường " . Bởi vậy mới có một câu được lan truyền trong cả nước : nhất Thước , nhì Trân , tam Lân , tứ Quốc ( Nguyễn Quốc Thước , Nguyễn Văn Trân , Nguyễn Lân Dũng , Dương Trung Quốc ) . Đây là những vị đại biểu Quốc hội phát biểu nhiều nhất và nói được nhiều tâm tư , nguyện vọng của cử tri với Quốc hội . Về chuyện vợ chồng Ông , hiếm có một người chồng nào , một vị Tướng nào lại yêu thương vợ , chăm sóc vợ được như ông . Suốt 13 năm vợ ông bị tai biến nằm một chỗ , ông tự chăm sóc vợ , từ cho ăn , thay đồ , cho uống thuốc .. . Ông đúng là hình mẫu một người chồng hết lòng vì vợ . Năm nay Ông đã 93 tuổi nhưng nhà ông chẳng mấy khi không có cánh báo chí khi thì ghi hình , khi thì phỏng vấn những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước nhưng ông vẫn rất minh mẫn , trả lời rất khúc triết , rất sâu sắc đâu ra đấy , nhiều lần ngồi chứng kiến việc Ông trả lời báo chí tôi thấy thật thán phục và kính nể ông về trí tuệ và trí nhớ . Đất nước mình giờ có quá nhiều Tướng , nhưng những vị Tướng chiến trận như ông , các vị tướng thời chống Pháp , chống Mỹ thì ai cũng biết , họ luôn là những tấm gương mẫu mực để nhân dân tôn kính và học tập , dù nhiều người đã mất nhưng họ vẫn sống mãi với non song đất nước Việt Nam này . Họ là những vị Tướng của Nước , của Dân .
                                                                    NGUYỄN ĐÌNH THI - TRUNG ĐOÀN 24


Ảnh: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và tác giả bài viết