CÓ MỘT NGƯỜI CHỈ HUY - NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI NHƯ THẾ


Nhân Chủ tịch nước vừa ký quyết định truy tặng danh hiệu ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN cho Đại tá Vũ Đình Thước, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 10, trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu bài viết của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước về ANH HÙNG - Đại tá Vũ Đình Thước .


CÓ MỘT NGƯỜI CHỈ HUY - NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI NHƯ THẾ
Trung tướng NGUYỄN QUỐC THƯỚC
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, 
nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3

Ai đã từng sống - chiến đấu, công tác với đồng chí Vũ Đình Thước đều để lại cho mình những ấn tượng tốt đẹp, những kỷ niệm sâu sắc về tình bạn chiến đấu, nhất là về tình cảm trong sáng đầy tình nghĩa, đầy tính nhân văn của một người đồng đội, một người anh em, một người chỉ huy quả cảm. Với tôi, đồng chí Vũ Đình Thước là một người trong số đó.
Đơn vị đồng chí Thước - Trung đoàn 66 vào chiến trường Tây Nguyên vào những tháng cuối năm 1965, còn đơn vị tôi - Sư đoàn 325B vào giữa năm 1966. Chúng tôi sống, chiến đấu cùng nhau qua các cương vị khác nhau trong đội hình bộ đội Tây Nguyên rồi đến Quân đoàn 3 mãi cho đến năm 1984 tôi về nhận công tác tại Quân khu 4, tròn 18 năm qua các chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào, Đông Bắc Miên, Sài Gòn (30.4.1975), chiến tranh biên giới Tây Nam với cuộc Tổng tấn công giải phóng Campuchia giúp nhân dân khỏi cuộc diệt chủng, cuối cùng trên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc . Ngoại trừ một thời gian khi cuộc Tổng tấn công giải phóng Campuchia 1979 bắt đầu thì anh bị thương phải về nước điều trị một thời gian, đến khi đơn vị ra miền Bắc lại mới gặp nhau. Chừng ấy thời gian là bấy nhiêu kỷ niệm vui buồn, gian khổ ác liệt đều có nhau, mãi cho đến khi anh vĩnh biệt chúng tôi, những người đồng đội năm xưa đều tề tựu tiễn đưa anh về quê hương nằm bên cạnh tổ tiên ông bà. Anh ra đi đã khá lâu, nhưng mỗi lần gặp mặt bạn chiến đấu các đơn vị Tây Nguyên - Quân đoàn 3, những người đã từng công tác chiến đấu với anh, không có cuộc nào mà anh em không nhắc đến anh với bao kỷ niệm, bao tình cảm quý mến thân thương...
Mỗi khi nhắc đến anh, anh em thường nói đến một người chỉ huy can trường, tả xung hữu đột, chỗ nào khó là có anh với một phong cách quyết liệt, đầy ý chí, nóng như lửa trước những tình huống phức tạp, là tấm gương cho cấp dưới và chiến sĩ noi theo, và chính tấm gương dũng cảm quyết đoán đó đã giúp cho anh em, có người có lúc quá ác liệt nảy sinh do dự đã vượt lên để cùng đơn vị chiến thắng. Anh em thường nhắc đến trận đấu đọ sức với Sư đoàn kỵ binh không vận, xương sống của quân lực Hoa Kỳ lúc bấy giờ trong chiến dịch Plei Me cuối năm 1965 mà đơn vị anh cùng đơn vị bạn (E33) đã lập một kỳ tích - tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại một tiểu đoàn khác, trận đầu tiên tiêu diệt gọn tiểu đoàn Mỹ trên chiến trường miền Nam . Trong trận đó, tiểu đoàn Anh vừa mới đặt chân đến khu vực Ia Đrăng, chưa biết địch "mô tê" thế nào, nhưng đã gặp ngay tiểu đoàn Mỹ trực thăng vận vào đội hình, và anh em đã can trường lưỡi lê xốc tới, đánh bại cánh quân của địch. Đơn vị Mỹ bị tiêu diệt là tiểu đoàn 1 kỵ binh không vận, chủ công của sư đoàn kỵ binh bay do tên Thiếu tá Hal Morơ chỉ huy. Sau này khi kết thúc chiến tranh, không hiểu nổi tại sao đơn vị mình lại bị tiêu diệt, năm 1993 Thiếu tá Morơ, lúc này đã được phong hàm trung tướng, muốn được sang nghiên cứu lại thực địa, tìm nguyên nhân vì sao tiểu đoàn chủ công hùng mạnh của Mỹ được máy bay và pháo binh chi viện tối đa mà bị thua quân Việt cộng. Đồng chí Vũ Đình Thước được tháp tùng Thượng tướng Nguyễn Hữu An, lúc bấy giờ là Tư lệnh chiến dịch, trực tiếp chỉ huy trận đánh đó đã cùng Trung tướng Morơ vào trực tiếp khảo sát nghiên cứu tại thực địa sau gần 30 năm. Là người trực tiếp chiến đấu tại đó, đồng chí Vũ Đình Thước đã giới thiệu chi tiết mọi diễn biến lúc bấy giờ giữa quân ta và quân Mỹ, và cuối cùng Trung tướng Morơ đã đi đến kết luận: Các ông đánh như vậy, với tinh thần "cận chiến", "bám thắt lưng địch mà đánh", triệt tiêu mọi sức mạnh của hỏa lực pháo binh và không quân, và đến nay chúng tôi mới hiểu tại sao đơn vị chúng tôi bị tiêu diệt. Câu chuyện là như vậy và qua các chiến dịch, các trận đánh từ khi là cán bộ cơ sở đến khi là cán bộ trung cao, vai trò của anh luôn được thể hiện như vậy. Anh em thường nói đi đánh với Thủ trưởng Thước (Vũ Đình Thước) là chúng tôi yên tâm. Còn nhớ trong chiến dịch xuân 1972, lúc này tôi là Trung đoàn trưởng, anh là Trung đoàn phó cùng Trung đoàn 28, sau khi tổ chức cắt đường 14 đoạn Nam Diên - Bình - Bắc Võ Định nhằm tiêu diệt mọi chi viện của địch từ Thị xã lên cứu vãn Tân Cảnh, và khi Tân Cảnh bị tiêu diệt, không cho chúng chạy về co cụm tại thị xã Kon Tum. Sau khi Tân cảnh bị tiêu diệt, bắc Kon Tum được giải phóng, bước vào mùa mưa, gạo đạn đã hết, tiếp tế phía sau không lên được, phải chuẩn bị sau một thời gian mới tổ chức tấn công vào thị xã Kon Tum. Lúc này địch đã có thời gian tăng cường lực lượng, tổ chức phòng thủ nên ta đã mất thời cơ. Mũi tấn công của Trung đoàn sau một ngày chiến đấu, 1/3 lực lượng đã lọt được vào trong, 1/3 lực lượng nằm giữa cửa mở, địch tập trung toàn bộ xe tăng, pháo binh, hỏa lực bắn thẳng ngăn chặn ta tại cửa mỏ, chiến đấu mấy ngày không phát triển được. Trung đoàn chủ trương chuyển hướng tấn công vào phía tây, hướng này còn tương đối sơ hở. Đồng chí Thước được giao nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đoàn 1 tấn công đột phá hướng này. Lúc đầu địch bị bất ngờ, ta phát triển thuận lợi, nhưng do lực lượng ta mỏng nên cũng chỉ đột phá được một phần, rồi bị xe tăng và hỏa lực địch ngáng chân, ta bị thương vong nhiều nên không hoàn thành được mục tiêu, mà chỉ chiếm được một phần khu trung tâm Biệt khu 24 của địch, gây cho địch nhiều tổn thất. Kết thúc chiến dịch, chuyển sang thời kỳ chống lấn chiếm sau Hiệp định Pari, cuối năm 1972 tôi được điều về Bộ tham mưu Mặt trận Tây Nguyên phụ trách Trưởng phòng tác chiến trực tiếp theo dõi chỉ đạo tình hình chiến sự trên các hướng. Đồng chí Vũ Đình Thước được giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 (trước đó đồng chí Nghiêm Xuân Núi đảm nhiệm một thời gian ngắn). Anh đã chỉ huy có hiệu quả trong việc chống quân địch xông ra lấn chiếm, đã có nhiều trận đánh tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch, đánh thiệt hại các tiểu đoàn khác, giữ vững vùng giải phóng bắc thị xã Kon Tum, ép địch càng ngày càng co về chống đỡ xung quanh ven thị xã.
Trong đợt hoạt động đó Trung đoàn 28 do anh trực tiếp chỉ huy đã có 1 trận đánh vang dội, hiệu suất chiến đấu rất cao, tiêu diệt và bắt sống xem như toàn bộ tiểu đoàn biệt động quân ác ôn khét tiếng 95 nống ra vùng giải phóng của ta, trận đánh mà ta diệt và bắt gọn toàn bộ ban chỉ huy tiểu đoàn, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện thông tin, chỉ còn 19 tên tàn quân tháo chạy tán loạn trong rừng, sau 1 ngày mới tìm được về thị xã (tin kỹ thuật địch). Kể một số sự kiện để chứng minh cho năng lực chỉ huy chiến đấu của anh, còn các chiến dịch khác chắc nhiều đồng chí sẽ kể thêm về anh...
Đối với đồng chí Vũ Đình Thước, ở cương vị chỉ huy chiến đấu là như thế, nhưng ở cương vị là người đồng đội, dù đối với trên hay dưới, nhất là đối với cấp dưới, anh lại có điểm vượt trội hơn của một người chỉ huy với nghĩa tình anh em, với tính nhân văn của người anh chân chính hết sức yêu thương và trách nhiệm. Với cấp dưới khi nào anh cũng tỏ ra nghiêm khắc trong công vụ, trong chiến đấu. Thái độ gay gắt, quyết liệt thậm chí có lúc nóng giận, quát tháo khi mà cấp dưới không quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trước nhiệm vụ chiến đấu trực tiếp ảnh hưởng đến sinh mệnh chiến sĩ và nhiệm vụ của đơn vị. Một sự dễ dãi khuất tất để ảnh hưởng tới sinh mệnh chiến sĩ đối với anh là không thể chấp nhận. Sau một trận đánh việc đầu tiên anh hỏi cấp dưới là có bao nhiêu thương vong, liệt sĩ, thương binh đã đem ra hết chưa? Tôi nhớ lần anh chỉ huy Tiểu đoàn 2 đột phá vào thị xã Kon Tum từ hướng Tây, ta không đạt được như ý muôn, một số bị thương vong trong cửa mở. Lúc này quyết định anh giao lại cho ban chỉ huy tiểu đoàn để về nhận nhiệm vụ nặng nề hơn trên hướng khác. Sau khi cho đơn vị rút ra, số thương vong trong trận địa chưa ra hết, anh đã quyết định ở lại để chỉ huy anh em trong trận địa ra xong và chính anh là người ra cuối cùng. Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch năm 1972 khi đánh vào thị xã Kon Tum, lúc này anh đi với Tiểu đoàn 1 tăng cường cho Sư đoàn 2 Quân khu 5, sau nhiều ngày chiến đấu, gạo đạn không còn, anh điện về cho tôi tình hình và để nghị tiếp tế thêm một ít gạo đạn. Thực tế lúc này tại sở chỉ huy cơ bản không còn một hạt gạo, toàn cơ quan dựa vào số sắn củ mà đồng chí Sỹ - Bí thư Tỉnh ủy huy động của dân, nhưng chỉ ăn bằng cháo sắn. Sợ anh điện bằng điện PRC25 phương tiện thông tin lấy được của địch, nó theo dõi biết được hoàn cảnh của ta thì rất nguy hiểm. Tôi liền điện bằng tiếng lóng: Tăng cường cho anh 12 khẩu pháo (thực tế là 12 gùi sắn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho, nay dành cho tiểu đoàn), còn ở nhà câu lạc bộ vui lắm (ý là chỉ sống bằng tinh thần, không còn gì).
Anh nghiêm khắc với chiến sĩ, nhưng lúc khó khắc ác liệt anh rất thương chiến sĩ, cũng vì lẽ đó nên đến nay anh đã đi xa, nhưng mọi người đều nhắc đến anh với lòng quý mến. Cũng trong chiến dịch năm 1972, sau khi kết thúc đơn vị về đứng chân sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Bắc Võ Định, tình hình đơn vị rất khó khăn, đơn vị hết gạo, phải chờ tiếp tế từ phía Tây sang, nên mỗi ngày mỗi người chỉ được 1 đến 2 lạng gạo. Lúc này đồng chí Vũ Đình Thước trao đổi với tôi làm sao tìm cách cải thiện cho anh em. Tôi hỏi cải thiện bằng cách nào? kỷ luật vùng mới giải phóng, dân sợ di tản hết, không được đụng đến bất kỳ vật dụng tài sản của dân, chỉ có ra rừng tìm rau môn thục và măng tre để thêm vào nồi cháo loãng. Đồng chí im lặng không nói thêm gì.
Một hôm đồng chí ra nghiên cứu địa hình ở khu vực Võ Định - Trí Đạo, nơi Trung đoàn 66 đang tiếp quản. Thấy Trung đoàn 28 quá khó khăn, anh em cho đồng chí Thước mấy quả mít về cải thiện - không báo cáo với tôi, anh cho anh em vệ binh giấu xung quanh hầm chỉ huy, chờ khi chín sẽ chia cho anh em cơ quan. Buổi sáng hôm sau khi đang giao ban tôi cảm thấy có mùi mít chín. Hỏi không ai trả lời. Sáng hôm sau mùi mít lại càng nhiều. Tôi liền hỏi ai lấy mít ở đâu về? Cả cuộc họp im lặng, một lúc sau đồng chí Thước đứng lên nói: Báo cáo anh, hôm kia đi nghiên cứu địa hình, anh em Trung đoàn 66 có cho tôi mấy quả mít, ý định khi chín sẽ đem chia cho anh em cơ quan mỗi người một ít, vì lâu rồi bị đói quá, thương anh em quá, đề nghị anh chấp nhận vì đây không phải tự tiện lấy của dân. Hiểu được ý thức kỷ luật và tấm lòng của anh, mọi người trong cơ quan hết sức cảm kích, tôi và đồng chí chính ủy cũng đồng tình. Mãi mấy hôm sau gạo từ phía tây đường 14 mới tiếp tế sang, lúc này cán bộ chiến sĩ mới ấm lòng. Câu chuyện tưởng ra là bình thường, nhưng ai có hiểu hết được nội tâm của nhau lúc này mới thấy quý giá, mới thấy được tấm lòng của người chỉ huy, trưởng thành từ cơ sở suốt cuộc kháng chiến, sau này đã trở thành một cán bộ cấp cao của quân đội, người đó là đại tá Vũ Đình Thước.
Mấy năm anh đã đi xa, nhưng mỗi lần gặp nhau trong ngày truyền thống của Trung đoàn không ai không nhắc đến anh với lòng quý trọng và mến thương. Và trong cuộc đời của người chỉ huy, dù ở cấp nào cũng không phải ai cũng được sự ân tình lưu luyến thân thương đến như vậy. Cái đó mọi chúng ta hãy tự suy nghĩ để tự giải đáp cho mình.


Đại tá Vũ Đình Thước - người đứng thứ 3 từ trái sang đang nhận nhiệm vụ từ Tư lệnh Quân đoàn 3 Kim Tuấn ( tháng 12/1978 )