Cách đây vừa tròn 43 năm , Lữ đoàn Dù số 3 , lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Sài Gòn được đưa lên khu vực đèo Phượng Hoàng - MaDrac , một tuyến đèo hiểm trở dài tới 15km , nhằm chặn đường tiến quân của ta từ Buôn Ma Thuột xuống đồng bằng ven biển Miền Trung và Nha Trang . Nhưng chỉ sau 4 ngày tấn công ( từ 29/3 đến sáng 1/4/75 ) , toàn bộ tuyến phòng thủ này của địch đã bị phá vỡ . Lữ đoàn Dù 3 cùng toàn bộ lực lượng địch phòng thủ ở đây đã bị ta tiêu diệt . Trận đánh này có thể coi là trận then chốt thứ 4 của Chiến dịch Tây Nguyên ( 1/ Trận Buôn Ma Thuột , 2/ Trận đánh Sư đoàn 23 đến tái chiếm Buôn Ma Thuột , 3/ Trận truy kích địch trên đường 7 ) , góp phần vào tiêu diệt toàn bộ Quân đoàn 2 của địch , giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên . Nhân kỷ niệm 43 năm Chiến dịch Tây Nguyên và trận tiêu diệt Lữ đoàn Dù 3 của địch . Trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu lại cùng bạn đọc trận thắng vẻ vang này
TIÊU DIỆT LỮ ĐOÀN DÙ SỐ 3 TRÊN ĐÈO PHƯỢNG HOÀNG - MADRAC
Nguyễn Đình Thi - Sư đoàn 10Ngay sau khi nỗ lực tái chiếm Buôn Ma Thuộc của Sư đoàn 23 thất bại . Địch thấy nguy cơ miền Trung sẽ bị chia cắt từ khu vực Khánh Hoà , Phú Yên và như vậy toàn bộ lực lượng địch còn lại tại quân khu 1 sẽ không thể rút về phía Nam bằng đường bộ . Trước tình hình nguy cấp như vậy Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu cùng Bộ Tổng Tham mưu Nguỵ quyết định đưa LỮ ĐOÀN DÙ 3 - Lực lượng tổng dự bị chiến lược , lực lượng tinh nhuệ nhất của Quân đội Sài gòn đang trên đường từ Quảng Nam xuôi tàu Hải Quân về phòng thủ ở Sài gòn , nhưng do tình hình Cao Nguyên nguy cấp , đại quân ta từ Buôn Ma Thuột đang tràn xuống đồng bằng ven biển Miền Trung . Không còn cách nào khác địch buộc phải đưa Lữ Dù 3 lên phòng thủ ở khu vực đèo Phượng Hoàng - Madrac , một con đèo rất hiểm trở dài 15 km , nối liền Đắc Lắc với Khánh Hoà , nhằm chặn không cho đại quân của ta tràn xuống đồng bằng ven biển miền Trung
Ngày 20/3/75 , sau khi được đưa đến đèo Phượng Hoàng - Ma Đrac , LỮ DÙ 3 đã lập tức triển khai kế hoạch phòng thủ như sau :
- Tuyến trên cùng do Tiểu đoàn 5 cùng một chi đội xe thiết giáp , 4 pháo 105 ly được bố trí chốt giữ tại khu vực Buôn M Guê
- Tuyến giữa do Tiểu đoàn 6 cùng một chi đội xe thiết giáp , 4 pháo 105 ly , chốt giữ ở khu vực từ Buôn M Yui đến MGam ,
- Tuyến cuối do Tiểu đoàn 2 chốt giữ đóng ở Buôn Ya Thi được bố trí 4 pháo 105 ly
- Tiểu đoàn 3 pháo binh và đại đội 3 trinh sát đóng tại Dục Mỹ . Mỗi tiểu đoàn cách nhau từ 7 tới 8 km .
- Lữ đoàn Bộ đóng tại trại Công Chánh
Kế hoạch tác chiến của chúng rất bài bản , xe tăng , xe thiết giáp được đào hầm giấu ở các vị trí hiểm yếu bên các vách núi ven đường . Các đại đội trong tiểu đoàn DÙ được bố trí theo chiến thuật mạng nhện , vừa phòng thủ tốt , vừa sẵn sàng cơ động hỗ trợ nhau khi bị tấn công . Toàn bộ lực lượng còn lại của quân địch ở đây như quân biệt động , bảo an đều do LỮ DÙ 3 chỉ huy . Chúng rất tin tưởng lần này quân DÙ sẽ chặn đứng được đà tiến công của quân ta .
Trong lúc đang đánh lực lượng Sư đoàn 23 Nguỵ đến phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột . Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã nghĩ tới tình huống địch đưa quân lên chiếm đèo Phượng Hoàng - Ma Đrac để ngăn chặn ta phát triển xuống Khánh Hoà nên ngày 18/3 đã lệnh cho Trung đoàn 25 cử một tiểu đoàn vòng lên phía Bắc sau đó cắt ra đường 21 , chiếm đèo Phượng Hoàng và lệnh cho Sư 10 điều Tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 66 ra chiếm đèo Ma Đrac . Nhưng cả 2 đơn vị trên đều đến chậm , khi đến nơi thì quân Dù đã chiếm xong rồi .
Trước một đối tượng tác chiến có rất nhiều kinh nghiệm như quân DÙ , chúng lại bố trí ở một địa hình hiểm trở , có nhiều lợi thế , lại được pháo binh và không quân chi viện tối đa , ta không thể dùng lực lượng mạnh đánh trực diện như đánh Sư đoàn 23 địch đến phản kích vừa qua mà phải có cách đánh thích hợp với đối tượng tác chiến mới này .
Sau khi xem xét cách bố phòng của quân DÙ , ta đã phát hiện được điểm yếu trong cách phòng thủ của chúng là trải dài trên một tuyến tới 30 km theo trục đường 21 , suốt từ Nam Khánh Dương tới Dục Mỹ . Cách bố trí này chỉ có chiều sâu , không có chiều rộng nên rất hở sườn , khi bị ta tấn công chúng rất khó hỗ trợ nhau vì chúng cách xa nhau .
Kế hoạch tiêu diệt LỮ DÙ 3 được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 10 và Quân đoàn 3 thống nhất như sau :
- Trung đoàn 66 có nhiệm vụ : dùng một lực lượng chặn phía sau Tiểu đoàn 5 Dù , lực lượng còn lại tấn công tiêu diệt tiểu đoàn 5 Dù , sau đó làm nhiệm vụ dự bị cho Sư đoàn .
- Trung đoàn 28 là mũi tấn công chính diện được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng , xe thiết giáp đánh thẳng theo trục đường 21 , tiêu diệt tiểu đoàn 6 Dù . Sau đó đánh phát triển tiếp theo yêu cầu của nhiệm vụ .
- Trung đoàn 25 , luồn rừng vòng lên phía Bắc , sau đó tiến ra cắt đường 21 , dùng một lực lượng chốt chặn ở phía sau tiểu đoàn 6 Dù , một lực lượng vu hồi đánh vào sườn phía Bắc quân Dù , chia cắt Lữ Dù 3 ở tuyến giữa .
- Trung đoàn 24 vòng về phía tây , vượt dãy núi phía Tây rất hiểm trở sau đó tiến ra đường 21 , đánh chặn từ phía sau Lữ bộ Lữ Dù 3
Phương châm tác chiến của Bộ Tư Lệnh chiến dịch là : tấn công tiêu diệt LỮ DÙ 3 bằng nhiều trận . Trước tiên dùng hỏa lực pháo binh khống chế , tiêu diệt các trận địa pháo của quân DÙ , sau đó dùng lực lượng bao vây tiêu diệt từng tiểu đoàn DÙ . Thực hiện cài thế bằng lực lượng bao vây chặn hậu LỮ DÙ 3 ở phía đông . Kết hợp chặt chẽ đột phá chính diện với bao vây chia cắt 2 bên sườn . Quyết tâm tiêu diệt LỮ DÙ 3 trong thời gian nhanh nhất .
Đây là một trận đánh rất quan trọng nên Tư lệnh Quân đoàn 3 - Thiếu tướng Vũ Lăng cùng Chính ủy Quân đoàn - Đặng Vũ Hiệp đã xuống Sở Chỉ huy Sư đoàn 10 ở dãy núi phía Tây đèo Ma Đrac trực tiếp chỉ đạo trận đánh .
Ngày 29/3 , Mở đầu trận đánh Lữ Dù 3 ta tập trung pháo binh Chiến dịch , pháo binh của Sư đoàn , kể cả đưa pháo ĐKZ của bộ binh bí mật áp sát các trận địa pháo quân Dù tấn công . Trận đấu pháo giữa ta và địch kéo dài tới gần 6 tiếng đồng hồ . Mưu kế của ta là tiêu diệt các trận địa pháo của địch trước , làm mất chỗ dựa về hỏa lực của Quân Dù . Vì Quân Dù thường dùng chiến thuật áp đảo bằng hỏa lực pháo binh rồi hậu chiến . Với trận đấu pháo này ta đã gây tổn thất lớn cho pháo binh địch , 12 khẩu pháo của quân Dù bị phá hủy . Để chia cắt Lữ Dù 3 thành từng nhóm , không cho chúng chi viện lẫn nhau khi ta tấn công . Chiều 28/3 , các đơn vị được lệnh ra chốt chặn chia cắt Lữ Dù 3 :
- Tuyến 1 phía trên cùng : Tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 66 chốt chặn phía sau tiểu đoàn 5 Dù .
- Tuyến 2 : Trung đoàn 25 chốt chặn phía sau tiểu đoàn 6 Dù .
-Trung đoàn 24 chốt chặn tuyến cuối , phía sau Lữ Bộ Lữ Dù 3 .
Như vậy mặc dù ta chưa nổ súng tấn công nhưng thế trận Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 Dù đã bị bao vây , chia cắt từ đêm 28 rạng 29/3 .
Sáng 29/3 , Trong lúc pháo binh bắn phá các trận địa pháo địch , Trung đoàn 66 được lệnh nổ súng tấn công Tiểu đoàn 5 Dù . Tiểu đoàn 7 sử dụng đại đội 1 cùng 4 xe tăng , 3 xe K63 đánh chính diện theo trục đường 21 , các đại đội còn lại hình thành 2 mũi đánh lên phía Nam và phía Bắc đèo Ma Đrac nơi có Sở chỉ huy Tiểu đoàn 5 Dù . Tiểu đoàn 8 dùng đại đội 7 chốt chặn trên đường 21 ( phía sau Tiểu đoàn 5 Dù ) , lực lượng còn lại đánh vào 2 bên sườn Tiểu đoàn 5 Dù . Sau 30 phút chiến đấu Tiểu đoàn 7 đã tiêu diệt được một đại đội quân Dù đang chiếm giữ đèo Ma Đrac , Sở chỉ huy Tiểu đoàn 5 Dù đóng ở đây bị hỏa lực ta đánh mạnh và bất ngờ đã vội vã tháo chạy , đại đội 1 cùng xe tăng đã phối hợp cùng đại đội 2 và đại đội 11 tổ chức tấn công vào lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 5 Dù , trước sức mạnh tấn công của ta quân Dù không chống đỡ nổi tháo chạy về phía Đông , nhưng chúng đã rơi vào trận địa đón lõng của Tiểu đoàn 8 chờ sẵn ở đây . 2 xe M113 của địch bị bắn cháy , ta bắt hơn 100 tên . Tiểu đoàn 5 Dù đến đây cơ bản đã bị xoá sổ .
Trung đoàn 66 tiêu diệt Tiểu đoàn 5 Dù và chiếm được đèo Ma Ddrac đã tạo thuận lợi cho Trung đoàn 28 tổ chức tấn công Tiểu đoàn 6 Dù . Sáng ngày 30/3 Trung đoàn 28 cũng được lệnh tấn công Tiểu đoàn 6 Dù . Lúc đầu ta phát triển khá thuận lợi chiếm được Sở chỉ huy Tiểu đoàn 6 Dù . Bị ta đánh mạnh lực lượng Tiểu đoàn 6 Dù co cụm về khu vực điểm cao 510 chống trả , các trận địa pháo địch ở Dục Mỹ cùng nhiều lượt chiếc máy bay ném bom vào đội hình tấn công của ta gây nhiều khó khăn cho Trung đoàn 28 . Do pháo binh của Sư đoàn lúc này còn ở xa chưa với tới các trận địa pháo địch ở Dục Mỹ . Sư trưởng Hồ Đệ quyết định cho Trung đoàn 28 dừng tấn công và quyết định cơ động pháo binh và pháo cao xạ từ phía sau lên khu vực Bản Mo bắn vào các trận địa pháo của địch ở Dục Mỹ , 4 xe tăng , 3 xe K63 từ Trung đoàn 66 cũng được lệnh lên tăng cường cho Trung đoàn 28 đột phá .15 giờ 30 được pháo binh và xe tăng chi viện , Trung đoàn 28 tổ chức tấn công vào cụm quân địch còn lại đang co cụm ở khu vực điểm cao 510 . Trước sức tấn công của bộ binh và xe tăng ta địch bắt đầu tháo chạy về phía Đông nhưng đã bị lực lượng chặn phía sau của Trung đoàn 25 vây chặt , Trung đoàn 25 bắt tại trận 250 tên , trong đó có cả tên Trung tá Nguyễn Hữu Thành -Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Dù . Đến chiều 30/3 , Tiểu đoàn 6 Dù cơ bản đã bị ta xoá sổ . Thừa thắng , Trung đoàn 28 lệnh cho Tiểu đoàn 3 cùng xe tăng xe thiết giáp tiếp tục hành tiến đánh địch theo trục đường 21 tiến về phía Tiểu đoàn 2 Dù . Sáng 31/3 , cánh quân chặn địch từ phía sau của Trung đoàn 24 sau 3 ngày xuyên rừng cũng bắt đầu tiến ra đường 21 , đoạn giữa trại Công Chánh với Dục Mỹ chốt chặn không cho quân Dù chạy về phía sau . Sự xuất hiện của Trung đoàn 24 ở phía sau làm cho địch vừa bất ngờ , vừa hoảng sợ , sức chiến đấu của quân Dù bị giảm sút nhanh chóng , một số đã tìm cách bỏ chạy , buộc Lê Văn Phát - Lữ trưởng Lữ Dù 3 phải ra một mệnh lệnh là bắn bỏ bất kỳ ai bỏ chạy . Lữ Dù 3 lúc này chủ yếu lo tìm cách phá vây . Để cứu nguy cho toàn bộ lực lượng còn lại đang bị Trung đoàn 24 chặn hậu . Từ sáng ngày 31/3 , địch điều tiểu đoàn 72 biệt động quân cùng một chi đội xe thiết giáp từ Dục Mỹ đánh lên kết hợp với lực lượng Tiểu đoàn 2 Dù từ phía Nam đèo Phượng Hoàng đánh xuống nhằm phá vây , chúng tập trung hỏa lực và huy động nhiều lượt chiếc máy bay ném bom vào trận địa Trung đoàn 24 , kể cả bom Na pan . Trận chiến giữa các chiến sỹ Tiểu đoàn 5 và 6 của Trung đoàn 24 với địch diễn ra rất ác liệt suốt cả ngày 31/3, có những lúc địch đã chiếm được chốt của đại đội 7-Tiểu đoàn 5 nhưng chúng vẫn không phá nổi vòng vây của Trung đoàn 24 . Sáng 1/4 , phát hiện nhiều xe nhiều xe thiết giáp , xe ô tô địch đỗ trên đường 21 có dấu hiệu bỏ chạy Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 - Vũ Tài lệnh cho Tiểu đoàn 5 và 6 chuyển sang tấn công đánh vào Lữ bộ Lữ Dù 3 . Từ phía trên đèo Phượng Hoàng , Tiểu đoàn 3 -Trung đoàn 28 cùng xe tăng , pháo binh , pháo cao xạ sau khi tiêu diệt lực lượng của Tiểu đoàn 2 Dù chốt chặn ở Buôn Ya Thi và trên đèo Phượng Hoàng cũng đã phát triển đến . Đến 7 giờ 30 ngày 1/4 toàn bộ lực lượng Lữ Dù 3 còn lại đã bị quân ta tiêu diệt và bắt sống . Trận đánh Lữ Dù 3 đến đây cũng kết thúc .
Tin LỮ DÙ 3 một lực lượng mạnh nhất của quân Nguỵ Sài Gòn thất trận trên đèo Phượng Hoàng - Ma Đrac đã được nhanh chóng lan truyền về phía sau , làm cho toàn bộ quân địch án ngữ suốt từ Lam Sơn , Dục Mỹ ,Ninh Hoà tới Nha Trang hoảng loạn , không còn sức chiến đấu , chỉ lo tìm đường chạy , tạo thuận lợi cho các lực lượng của Sư đoàn nhanh chóng tiến xuống đồng bằng ven biển miền Trung , giải phóng một địa bàn rộng lớn suốt từ Dục Mỹ , Ninh Hoà tới Nha Trang . Chia cắt quân địch giữa Quân khu 1 với Quân khu 3 . Chặn đứng việc rút lui bằng đường bộ của toàn bộ lực lượng địch tại Quân khu 1 .
Trận Buôn Ma Thuột ta dùng NGHI BINH để tạo ra THẾ VÀ LỰC tiêu diệt quân địch . Còn trận tiêu diệt LỮ DÙ 3 trên đèo Phượng Hoàng - Ma Đrac khi không còn yếu tố bí mật nữa ta lại dùng MƯU và KẾ để tiêu diệt quân địch . Có thể nói sau trận Buôn Ma Thuộc thì đây lại là một TRẬN ĐÁNH RẤT HAY VỀ NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ , từ cách bày binh bố trận đến chọn cách đánh , đến sử dụng lực lượng ta đều làm rất hoàn hảo . Đặc biệt là ta dám táo bạo đưa cả Trung đoàn 24 vượt rừng , luồn về phía sau Lữ Dù 3 đánh chặn , chia cắt quân địch . Chính mũi chốt chặn từ phía sau hiểm yếu này của ta đã tạo một áp lực tâm lý rất lớn đối với toàn bộ quân Dù đang chiến đấu , làm cho một lực lượng mạnh như quân Dù cũng trở nên yếu và dẫn tới bị tiêu diệt hoàn toàn . Điều này một lần nữa chứng tỏ tài cầm quân của Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 3 , mà đặc biệt ở đây là tướng Vũ Lăng , tướng Đặng Vũ Hiệp và tướng Hồ Đệ .
Đèo Phượng Hoàng - MaDdrac
|