YÊU NƯỚC YÊU THƠ

Nhân ngày THƠ VIỆT NAM , trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu cùng bạn đọc bài : YÊU NƯỚC YÊU THƠ của một người lính Trung đoàn 24 - nhà văn Bảo Ninh


YÊU NƯỚC YÊU THƠ                                  
                                 
           Tới Nguyên tiêu Mậu Tuất này là lần thứ 16 Ngày thơ. Đã mười lăm năm rồi. Năm đó, Quí Mùi 2003, rằm tháng Giêng, buổi sáng, còn sớm, Văn Miếu đã rất đông. Thấy bảo là đông chưa từng. Thấy được gần như đủ hết các nhà thơ sống ở Thủ đô. Ngày ấy vẫn còn nhà thơ Phạm Tiến Duật, nhà thơ Quang Huy, nhà thơ Dương Kiều Minh, nhà thơ Đồng Đức Bốn. Người yêu thơ thì đủ mọi giới và lứa tuổi, nườm nượp, kín chỗ các sân. Ban đầu có lẽ rằng Ban tổ chức đã chẳng dám mong sẽ được người dân Hà Thành hưởng ứng nhiệt tình nhường ấy ; bởi vì trước đấy có không ít ý kiến e ngại. Không chê, nhưng không tin tưởng, người ta e là ở đời chẳng mấy ai còn quan tâm thi phú, sân thơ sẽ thưa thớt. Người ta cũng sợ là lễ hội sẽ chẳng bền, không có nổi lần thứ hai. Nay thì Ngày thơ đã là hàng năm, của cả nước. Năm nào tôi cũng đi hội, năm thì  Văn Miếu, năm thì Vĩnh Phúc, Quảng Ninh hoặc Vinh. Nghe đọc thơ, bình thơ, tự thấy mình như lãng mạn trở  lại, thậm chí như yêu đời trở lại.
        Mà cũng khi, thơ khiến lòng lặng đi. Nhớ những bạn hữu thi nhân ngày nào nay không còn nữa. Nhớ thời tuổi trẻ, chiến tranh, gian khổ mà nặng tình, mà thơ mộng. Tuy chưa bao giờ làm được thơ, mà thâm tâm tôi vẫn tin rằng mình, cũng như bao người,  đã từng có một hồn thơ trong lòng từ thuở còn thơ. Mà hồn thơ ấy, với riêng bản thân tôi,  là từ bà, từ cha.
        Cha tôi quê Quảng Bình, miền Trung - đất thơ,  song ông không phải người sính thơ. Vậy nhưng trong những giấc mơ về cha, tôi rất hay thấy lại một cảnh thế này hồi bé : mùa đông, cha tôi một mình trong phòng, căn phòng lạnh và mờ tối ; tôi nằm trên gác xép nhìn xuống, thấy cha rời bàn làm việc tới bên cửa sổ trông ra trời chiều; rồi nghe thấy giọng cha, rất trầm và chậm, ngâm. Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song… Những câu thơ rất lạ, khác hẳn với thơ ngày đấy vẫn phát trên đài. Kiểu ngâm cũng thật khác. Sinh ra, lớn lên ở Huế, cha tôi ngâm ngợi Thơ Mới theo cái cách của người Huế thời tiền chiến. Từ 1954 đất nước bị nỗi đau chia cắt, cha tôi, ngày đấy, trong bóng chiều Hà Nội tức cảnh sinh tình, buồn nhớ quê hương. Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, là thế, chạnh lòng, bất chợt.
        Bà nội tôi lại khác, có thể nói là bà “ thơ ” trong từng lời. Ru cháu, kể chuyện cháu nghe, khuyên nhủ cháu vả cả la mắng, bà luôn dùng đến thơ. Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều. Thường bảo vậy, nhưng Truyện Kiều 3254 câu bà thuộc từng từ.  Bao nhiêu truyện thơ Nôm: Trê Cóc, Phan Trần, Bích Câu kỳ ngộ, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa …bà nhớ nằm lòng. Khắt khe lễ giáo là thế, mà bà tôi tôn quí vô cùng Cung oán ngâm khúc. Và có lẽ bởi vì là cháu của cụ Nghè  Nguyễn Xuân Ôn, chiến sĩ Cần vương, nên bà tôi cũng rất “ chiến ”.  Ngày tôi đi Bê, mẹ tôi thì khóc, mà bà tôi, đang lâm bệnh, vời tôi tới bên giường, dạy rằng : Chí làm trai dặm nghìn da ngựa / Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao. Hãy can trường, mạnh bước, chân cứng đá mềm, mau cùng chúng bạn tiến quân vào lấy lại thành Huế.
        Còn tôi thì, kể cũng lạ, được sống gần với thơ nhất chính là trong những năm đời bộ đội. Cùng lán, cùng hầm với tôi, mắc võng kế bên võng tôi, hầu như luôn luôn có ít nhất là một nhà thơ. Ấy là những nhà thơ lính thường, tiểu liên AK mũ cối dép đúc, của trung đội, của tiểu đội, của tổ ba người. Anh em chúng tôi ngày ấy trai tráng từ muôn nơi quây quần lại với nhau, đánh giặc và làm thơ, nên thơ bộ đội hội tụ hồn quê của mọi miền đất nước. Giản dị và dân giã như lục bát với song thất lục bát, mà cầu kỳ đài các như thất ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt này nọ cũng có. Và tất nhiên dồi dào hơn cả vẫn là thơ tự do, thơ tùy hứng của đời lính chiến trường. Đa phần là ứng khẩu lên thành thơ chứ không giấy bút, rồi truyền khẩu. Nhưng thơ được viết ra cũng nhiều. Thầm lặng làm thơ ghi vào nhật ký, vào thư gửi mẹ, gửi vợ, gửi người yêu. Mùa khô, thơ trong chiến hào, thơ dọc đường hành quân. Mùa mưa hậu cứ, cả đại đội làm thơ báo tường. Không ít tay mạnh dạn gửi thơ lên tờ tin Sư đoàn, và cả lên báo của Mặt trận. Rất nhiều bài được đăng, nhiều bài còn lưu truyền đến ngày nay. Có những bài, mà đã là lính B3 không ai lại không biết không thuộc. Như bài “ Tây Nguyên ơi”  của anh Đỗ Tiến Ruyện, lính pháo E40. Hay bài “ Hoa trên đường ”, xưa tôi cứ  ngỡ thơ khuyết danh, mãi sau mới biết của nhà văn Khuất Quang Thụy, mà khi viết bài đó đang là lính Sư đoàn 320.
        Tôi nghĩ, như là một với lòng yêu nước, thơ và tình yêu thơ trong tâm hồn người Việt mình, trẻ tuổi và lớn tuổi, người dân thường và anh bộ đội, dù vận nước dù đời riêng thế nào không khi nào nào vơi cạn. Bởi vậy, nếu nuôi dưỡng và giữ bền được trong  mình xúc cảm và tinh yêu đối với thơ thì cũng sẽ giúp cho mình có thêm nghị lực để giữ bền được tình yêu và niềm hy vọng vào đất nước mình cho dù đời sống chung bốn bề và cuộc sống riêng có thế nào.
                                                                                                                 Bảo Ninh

Ảnh: Nhà văn Bảo Ninh cùng bác sỹ Cao Độc Lập, Nguyễn Trung Du và Đào Thị Nguyệt Nga