GẶP PHÁI ĐOÀN QUÂN SỰ CỦA TA TẠI SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT SÁNG 30/4/1975

Trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 24 được Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 3 giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là nhanh chóng tiếp cận và bảo vệ phái đoàn quân sự của ta đóng ở đây. Đại đội 11 của Trung đoàn do Chính trị viên Lương Văn Nhân và đại đội trưởng Năm chỉ huy là đơn vị đầu tiên gặp phái đoàn quân sự của ta tại đây.
Trang Lính Tây Nguyên xin giới thiệu bài viết về cuộc gặp mặt cảm động này do chính anh Lương Văn Nhân viết lại

GẶP PHÁI ĐOÀN QUÂN SỰ CỦA TA TẠI SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT SÁNG 30/4/1975
Lương Văn Nhân - Trung đoàn 24

Sáng 30/4/75, trong lúc Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 4 đang đánh nhau ác liệt với địch ở Lăng Cha Cả và ở cổng Phi Long của sân bay, Tiểu đoàn 6 của tôi nhận được lệnh đánh thẳng theo trục đường Hoàng Hoa Thám vào sân bay Tân Sơn Nhất từ hướng Bắc. Lúc đầu đại đội tôi đi sau đội hình của Tiểu đoàn nhưng khi nhận được lệnh đánh vào theo đường Hoàng Hoa Thám nên đại đội tôi từ đi sau trở thành đơn vị đi đầu.
Đoạn đường Hoàng Hoa Thám từ nơi tiếp giáp với đường lớn (tôi không nhớ tên) vào đến sát hàng rào sân bay cũng không dài lắm, khỏang chừng trên, dưới 1km. Cả đại đội triển khai đội hình theo hàng dọc tiến vào sân bay. Đi đầu gồm anh Năm đại trưởng (quê Thủy Nguyên Hải phòng) và tôi (Chính trị viên). Anh Thần đại đội phó (quê Cao Bằng) đi với b2, còn anh Vũ Ngọc Cầm (quê Cửa ông - Quảng Ninh) đi sau cùng. Dọc đường tiến vào sân bay, chúng tôi không gặp trở ngại nào chỉ thấy quần áo, giày mũ sắt của địch vứt bừa bãi, lung tung đầy đường, dấu hiệu chúng đã bỏ chạy. Khi chúng tôi tiến qua một bãi đất trống (phía bên phải đường) hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là: thấy toàn vũ khí lớn của ta: pháo 122 ly, xe tăng T54, pháo phòng không 37, 57ly... Hóa ra cái bãi ấy có lẽ là nơi trưng bày những vũ khí "chiến lợi phẩm thu được của Cộng quân"! vừa đi qua khu vực đó đến đầu dãy nhà dài (như khu gia binh) anh Năm nói với tôi : "ta chia làm 2 mũi tiến vào...anh Nhân đi thẳng với B1, còn tôi với B2,3 rẽ phải qua khu gia binh này ...". từ vị trí đó tôi và 1 trung đội tách khỏi đội hình tiến thẳng vào phía sân bay Tân Sơn Nhất (vẫn theo đường Hoàng Hoa Thám). Khi vào đến gần hàng rào sân bay tôi đã nhìn thấy rõ hàng loạt máy bay A37 xếp hàng trên đường băng ở phía trong sân bay. Sân bay rộng mênh mông tịnh không có bóng dáng người nào, tôi quyết định tiếp tục rẽ phải tiến theo con đường nhựa để tìm cổng vào sân bay. (Thú thực lúc ấy tôi và anh em chẳng ai biết cổng số 5 hay cổng Phi Long, Phi hổ ở chỗ nào cả). Mới rẽ phải chừng vài chục mét thì nhìn thấy bên trái đường có cái cổng sắt ( trụ bê tông cánh cổng hàn bằng thép ống và lưới b40) (Như trong ảnh). 

Và phát hiện có người trong ngôi nhà bên phài cổng. Người thanh niên mặc bộ đồng phục màu xanh còn khá mới và mang súng AK, đầu đội mũ cối giống mũ của quân ta. Chúng tôi mạnh dạn tiến thẳng vào phía cổng... Người thanh niên mặc bộ quân phục màu xanh (Chắc chắn là một cảnh vệ đang trực cổng) anh đã quan sát thấy chúng tôi từ xa nhưng còn "ngờ ngợ" nên cứ thập thò "cảnh giác"...! Khi chúng tôi tiến đến gần phía ngoài cổng( khoảng năm, sáu mét) anh ta mới bước ra khỏi nhà trực gác và khi biết đích xác chúng tôi " là quân giải phóng" rồi thì anh reo lên (tất cả anh em chúng tôi đều nghe rõ) - "A...Quân của mình đây rồi "! (Tôi nhớ nguyên văn câu của anh cảnh vệ nói hôm đó). Nét mặt rạng rỡ, giọng nói vui như tết làm anh em chúng tôi cũng vui lây. Khi tất cả anh em trung đội đi với tôi đã dồn đến đứng cả trước cổng, anh cảnh vệ nhanh chóng mở khóa và mời chúng tôi vào trong...Khi anh em chúng tôi chưa vào hết, anh chàng cảnh vệ đã rối rít: -" Các anh đứng đây chờ tôi vào báo cáo các Thủ trưởng". Chưa dứt câu thì anh đã vội vàng quay gót chạy như bay vào các dãy nhà phía trong. Trời tháng 4 Sài Gòn nóng , anh em chúng tôi vừa đi vừa chạy nên vào đến đây ai cũng thấm mệt quần áo đẫm mồi hôi nhưng mọi người đều rất vui, niềm vui không thể tả hết...
Trong lúc chờ các anh trong phái đoàn ra, chúng tôi râm ran nói chuyện, người móc thuốc ra hút, người kéo mũ ra phe phẩy... mà lòng thấy lâng lâng. mọi mỏi mệt bỗng biến đi đâu hết. Tôi ngước mắt lên thấy trời trong xanh vời vợi, xa xa chỉ còn vài dải mây mỏng như lụa xám. Chúng tôi không phải đợi lâu, chỉ vài phút sau đó từ các ngôi nhà phía trong (chỉ vài phút trước còn vắng lặng) bỗng ồn ào huyên náo hẳn lên rồi các anh ùa ra rất đông, tất cả đều chạy ào tới chỗ chúng tôi. Chúng tôi không ai bảo ai mọi người đều giơ tay vẫy, còn các anh vừa chạy, vừa dang tay ra để ôm lấy chúng tôi... nét mặt ai cũng rạng ngời, và giọng nói nghẹn ngào xúc động. Tôi thấy tất cả các anh ai cũng ngân ngấn nước mắt, anh em chúng tôi cũng vậy, mặt còn xạm khói súng và có những giọt nước mắt cứ lăn tròn trên má. Lúc ấy tôi không hiểu điều gì đã làm cho chúng tôi xúc động đến vậy! Tất cả các anh, tất cả chúng tôi đều có cảm xúc như vậy... niềm vui tràn ra ngoài khóe mắt, tất cả anh em chúng tôi lúc ấy ai cũng khóc. . Đúng là " nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt "! 
Trong lúc chúng tôi đang hân hoan hình như trong các anh có ai sực nhớ ra điều gì, rồi có mấy người chạy vào trong nhà phía sau khuân ra nào là Bia trúc bạch, nước ngọt Hà nội, Thuốc lá Điện biên, Thăng long, Trường sơn có cả bánh kẹo Hải hà... tôi không nhớ hết. Các anh kê vội cái bàn đặt tất cả các thứ lên đó rồi "rối rít" mời chúng tôi, rồi khui bia , khui nước ngọt "bắt" chúng tôi phải uống mới cho đi. Còn thuốc lá thì cầm lấy cả tút (cây) cũng đủ...!
Vâng ! thật sự xúc động, với riêng tôi cái cảm giác xúc động ấy vẫn còn âm ỉ đến tận bây giờ. Chiến tranh đã qua đi 42 năm rồi nhưng mỗi khi nhớ lại cảm xúc gặp phái đoàn quân sự của ta hôm ấy tôi cứ ngỡ như vừa diễn ra hôm qua. Không thể quên được.. Những hình ảnh diễn ra ở trại Da vit Sai gòn sáng 30/4/ 1975 khi chúng tôi (C11/D6/E24) tiếp xúc với phái đoàn quân sự bốn bên của ta tại thời điểm ấy tôi chỉ nhớ như vậy. 
Chỉ tiếc ngày ấy Không ai ghi lại được tấm ảnh nào, anh em chúng tôi và cả bên các anh trong phái đoàn cũng vậy, chả hỏi tên ai. chả ai biết ai. Tất cả đã chìm vào dĩ vãng, nhưng trong tôi, ký ức về buổi gặp mặt xúc động đó còn mãi, không bao giờ quên.

                                                                                                   Lương Văn Nhân