|
Đèo Ma Đơ Răk |
THƯƠNG NHỚ ĐỒNG ĐỘI |
Kí ức của người lính Tây Nguyên K8-E66
Khi Ban Mê Thuột bị thất thủ, địch tìm mọi cách tái chiếm bằng được thị xã, các trung đoàn 44, 45 sau khi bị tổn thất, số quân còn lại được đổ bộ xuống quận lỵ Phước An để tìm cách xoay chuyển lại tình hình. Tái chiếm chẳng được, xoay chuyển cũng không, lại bị quân ta đánh cho đại bại. Chúng vội điều động lữ đoàn dù số 3 đến cứu nguy. Biết địch không thể cứu vãn được tình hình, phán đoán chúng sẽ bỏ Tây Nguyên để rút về giữ vùng duyên hải Nam trung bộ, K8 chúng tôi nói riêng, trung đoàn 66 và sư 10 nói chung được trên giao nhiệm vụ chặn đánh lữ đoàn dù này trên trục đường 21 đoạn quận lỵ Khánh Dương thuộc tỉnh Khánh Hòa không cho chúng lên ứng cứu Tây Nguyên, đồng thời cũng không cho chúng rút chạy và co cụm về vùng duyên hải, bắt buộc chúng ở tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Trưa ngày 23 tháng 3 năm 1975, sau khi lấy gạo ở quận Khánh Dương, quận vừa được giải phóng ngày hôm qua ( 22/3 ) Tôi và Thuân là lính 2 W đi theo cánh C5. Cùng đi cánh C5 có tiểu đoàn phó ( tôi không nhớ tên) đi chỉ đạo. Đơn vị hành quân theo trục đường 21 tiến về phía Nam. Khi bắt đầu hành quân, tiểu đoàn ra lệnh:
- Để đảm bảo bí mật của đội hình trong suốt chặng đường, yêu cầu các đại đội cho bộ đội ngụy trang cẩn thận và triệt để đi sang hai bên đường.
Bộ đội bắt đầu hành quân. Từ quận Khánh Dương, đi được khoảng ba cây số, bộ đội chấp hành nghiêm chỉnh, đội hình hành quân được ngụy trang cẩn thận và đi hai bên đường nên bí mật đội hình gần như tuyệt đối. Nhưng càng quá trưa sang chiều, trời nắng như thiêu, như đốt. Cán bộ luôn nhắc nhở phải đi sang hai bên rìa đường, không được đi trên mặt đường, nhưng chỉ được một lúc lính ta lại cứ giữa đường mà đi và thỉnh thoảng lại có tiếng quát của ai đó:
- Muốn chết cả lũ à, đi sang hai bên đường đi!
Đâu đó lại có tiếng phát ra từ giữa đội hình:
- Nắng quá, đ…ai chịu được.
Do hai bên đường chủ yếu là cỏ khô và lau sậy bị đốt cháy, nham nhở, mùi nồng nặc của tro than bị cháy, hơi đất hầm hập bị nung nóng. Trời lại nắng, vừa nắng vừa hấp hơi hầm hập nên rất khó chịu, thà nắng một tí nhưng đi trên mặt đường vẫn thoáng gió hơn. Ai cũng muốn vậy. Đi suốt từ quận Khánh Dương đến gần chân đèo Ma Đơ Rak (đèo Phượng Hoàng) ngót nghét gần mười cây số rồi mà chưa hề nghỉ. Khi tới gần cầu sập, cầu đã bị đánh hỏng, cách cầu chừng 5,6 km gì đó, cán bộ cho lính tạt sang hai bên đường nghỉ giải lao. Ai nấy tìm những bụi lau cao và tốt để nghỉ. Trong lúc chúng tôi đang nghỉ thì ở phía trước, hai đồng chí trinh sát của E28 vượt qua cầu, địch ở trên đèo trông thấy, chúng quát to:
Việt cộng, bỏ cành lá xuống, đi ra giữa đường!
Nhờ tài trí của người trinh sát, họ nổ mấy loạt súng. Một đồng chí chạy quay lại, một đồng chí vẫn ở lại nổ súng và nhanh trí nhẩy xuống một cái khe, khe rãnh đó lại thẳng hướng đội hình của bộ đội đang hành quân, thế là địch ở trên đèo cứ nhè theo hướng đó mà nhả đạn. Vô hình chung đội hình hành quân đã trở thành mục tiêu của địch. Đạn chiu chíu xung quanh, toàn đạn đại liên và 12 li7.
Là lính chiến đấu nên chúng tôi phân biệt rõ các loại tiếng nổ, đâu là mìn, lựu đạn US, tiểu liên và đại liên. Hôm nay lại được nghe tiếng nổ của 12 li7. 12 li7 chủ yếu là bắn máy bay, nay chúng sử dụng để bắn bộ binh. Ai cũng khiếp vía:
Chuyến này chết bỏ mẹ rồi! ai đó trong đội hình thốt lên.
Một vài người hoảng loạn, chạy tứ tung. Tiếng cán bộ quát lên:
Muốn chết à ! Nằm im một chỗ đi! Chết cả lũ bây giờ!
Người nào người đó nhanh chóng lợi dụng địa hình địa vật để tránh đạn. Một số đồng chí ở trước mặt tôi đã lợi dụng được một gốc cây. Tôi và tiểu đoàn phó Oanh lúc đó chỉ cách gốc cây chừng 6m, nhưng không làm gì được. Địch bắn rát quá, ai nấy đều chết dí một chỗ. Lúc này, tất cả đều chúi mặt xuống đất, ba lô, gùi chắn trên đầu, mười phần chắc chắn là chết chín. Phía đội hình đằng sau có ai đó thốt lên: “ Mẹ ơi, hôm nay con chết mất rồi, ối mẹ ơi! ”
Chưa đầy năm phút, pháo ở đâu lại rót xuống đội hình. Nghe những tiếng nổ của pháo chúng tôi biết là hai bên đang phản pháo nhau, tiếng nổ đầu nòng của hai bên nghe rất rõ, nhưng tại sao lại nổ ngay tại đội hình của ta? Một câu hỏi khó giải thích! Bỗng tiếng của đại đội phó vang lên:
Đ…mẹ, quân ta bắn quân mình mất rồi. thông tin đâu, gọi về tiểu đoàn xem pháo nào mà lại rơi vào giữa đội hình thế này?
Lúc này thông tin đường dây không theo kịp đội hình, trông chờ vào thông tin 2 W. Nhưng Thuân đeo máy lại đang đi đằng sau, chỉ có tôi là phụ máy bám sát được cán bộ. Bom đạn nổ dữ quá không làm gì được.
Bên tay trái là đường 21, bên tay phải là sườn dốc, bãi lầy và bìa rừng, trước mặt là đèo Ma Đơ Răk, nơi địch đang xả súng bắn chúng tôi. Đại liên, 12 li7, pháo nổ vang trời, chỉ thiếu mỗi bom là chưa có. Mà cũng kì lạ, một sự kì lạ ít khi xảy ra: buồn ngủ. Quả thật, lúc đó tôi buồn ngủ quá trời. Giữa lúc bom đạn rền như sấm mà lại buồn ngủ. Buồn ngủ nhưng thâm tâm vẫn nghĩ ngủ lúc này khác gì chấp nhận cái chết. Trong óc tôi lúc này luôn tưởng tượng sẽ có một viên 12 li7 nào đó sẽ xé đôi, xé ba thân thể. Người sẽ chia ra làm mấy! Chắn chiếc gùi trên đầu, tôi tưởng tượng một viên đạn nào đó sẽ găm phập vào gùi là tôi được sống, còn không găm vào gùi thì cũng sẽ găm hoặc vào đầu, hoặc găm vào người, như vậy là tôi sẽ chết. Nhìn về đằng sau, đạn địch găm phầm phập xuống đất, cách gót chân tôi chỉ chừng 3 hoặc 4m. Lúc này, sống chết hoàn toàn phó thác cho số phận.
Chừng khoảng hai mươi phút, súng địch đã ngớt, tôi ôm gùi nhẩy về phía trước và lăn xuống một khe rãnh, ở đấy đã có khoảng mười người gồm anh, tiểu đoàn phó, một đại đội phó, một trung đội trưởng và một số chiến sĩ. Không biết anh Thăng đã vọt lên trước tôi từ khi nào! Tình thế thật gay go. Tiểu đoàn phó đưa mắt nhìn đại đội phó, tôi không nhớ tên, hai người ngầm hiểu ý nhau. Anh nói nhỏ:
Tình hình này nguy lắm, nếu cho rút lúc này thì địch sẽ nhìn thấy, chúng lại bắn xuống thì sao? Mà ngồi lại đây thì biết bao giờ rút được!
Mấy con mắt đổ dồn về phía tiểu đoàn phó, tất cả trông chờ vào anh, không biết đội hình phía sau như thế nào? Lúc trước toàn thấy pháo nổ phía dưới đội hình.
Ngẫm nghĩ một lát, anh quyết định:
Để bí mật và an toàn, tôi ra lệnh từng trung đội một sẽ lặng lẽ rút lui. Trung đội cuối đội hình sẽ rút trước, sau đó mới đến đầu đội hình. Đường rút lui sẽ chạy theo rìa bãi lầy, yêu cầu phải chạy khom, thật khẩn trương và tập kết ở bìa rừng bên tay trái hoặc vị trí gầm cầu gần quận Khánh Dương.
Mệnh lệnh được truyền đi, tất cả lặng lẽ làm theo. Bộ đội rút, tôi cũng rút, ai nấy chạy thục mạng. Chạy được khoảng 30m, một cảnh tượng thê thảm và kinh hoàng của đội hình phía sau. Cầm sao được nước mắt khi trước mắt chúng tôi, hai hố pháo, hai đống xác của các đồng chí ta tròn trùng trục lẫn lộn với ba lô. Chân, tay, đầu bị pháo địch cắt đứt và bay đi đâu tất cả, chỉ còn những khối thịt tròn tròn, ước chừng khoảng hai mươi đồng chí. Nhìn những đống thịt tròn, tôi không cầm được nước mắt. Đồng đội tôi, người không đầu, không chân, không tay, hai túi áo ngực để lộ những dòng chữ thêu trên nắp áo bên trái mà đơn vị đã quy ước mỗi người phải tự thêu cho mình giống như một phân số: AD 8/…mẫu số sẽ tương ứng với mỗi tên của từng chiến sĩ. Tôi vẫn nhớ kí hiệu của tôi là AD8/076. Lúc này tôi mới thấm thía ý nghĩa của những con số trên nắp túi áo. Nếu thi thể không còn nhận được dạng nữa thì cứ con số đó sẽ tìm ra tên của liệt sĩ. Những đồng chí bị thương được băng bó. Ai nhẹ thì tự đi, ai nặng không tự đi được thì gắng chờ vận tải cáng thương binh.Đại đội phó yêu cầu một bộ phận ở lại trông thương binh, còn công tác tử sĩ phải chờ đến tối mới giải quyết được.
Đơn vị quy định bộ đội sẽ tập trung ở dưới gầm cầu phía đằng Khánh Dương của trục đường 21, nhưng nào có được. Lúc chạy, ai cũng muốn chạy cho nhanh cho nên đại đa số chạy vào bìa rừng. Không hiểu sao lúc chạy, gặp một hàng rào đơn thép gai tôi băng qua lúc nào không rõ, mà cũng chẳng biết mình nhảy qua hay trườn dưới đất. hàng rào đơn cao khoảng 1m20, các đường gai đan ô vuông cách nhau 30 phân một vậy mà lại lọt qua an toàn, không một xây xát gì. Vào tới bìa rừng, lúc đó đã có một bộ phận của đơn vị bạn K1-E28 cũng bị lạc đang ở đây, khoảng độ mười hai người. Lúc này tôi mới trấn tĩnh được tinh thần. Tôi và Thuân, cùng quê, cùng nhập ngũ, cùng tiểu đội mới có điều kiện liên lạc về nhà. Tôi mắc dây trời lên, Thuân gọi máy về tiểu đoàn báo cáo lại tình hình nhưng không liên lạc được, đành báo cáo về trung đoàn. Lúc này tôi nghe rõ 2W của tiểu đoàn đang báo cáo về trung đoàn qua giọng nói của Lộc, quê Vĩnh Phú, A trưởng 2W:
- Báo cáo trung đoàn, anh Hội chiến sĩ thông tin 2 w đã hi sinh.
Hội cùng quê, cùng nhập ngũ và cùng tiểu đội với tôi. Tôi và Thuân hơi lặng người trong giây lát. Đêm hôm đó, những người bị lạc gồm cả E28 lẫn E66 ngủ trong một khe đá, ăn uống hoàn toàn tự túc. Sáng hôm sau, khoảng 8 giờ sáng thấy bộ đội kéo về chỗ mình, đơn vị tổ chức nấu nướng. nghỉ thêm một đêm nữa để chờ lệnh trung đoàn. Vì không liên lạc được với tiểu đoàn nên đơn vị chịu sự điều khiển của trung đoàn.
Hôm sau, đơn vị rút về nghỉ ở một bản, cách quận Khánh Dương hơn một cây số. Đêm lại được lệnh đi theo đường cũ của hôm trước, đêm đó có bộ phận chính trị trung đoàn cùng đi. Gần tới vị trí máy bay C 130 bắn đạn 20 li xuống đội hình cách đội hình chừng 50m, mùi thuốc đạn khét lẹt, nhưng không ai việc gì. Nghỉ ở đây ba hôm, đơn vị lại được lệnh quay lại đi hướng khác, hướng Măng Đen, Măng Bút để phối hợp với các C đón lõng đánh địch. Đội hình đi đêm, đường rừng, núi đá khó đi, lần từng bước chân, nhẹ nhàng từng hành động, lần theo đường dây điện mà đi. Chiều tối, pháo địch lại bắn quanh đâu đây, đạn găm vào cành cây, vào thân cây, cành lá rơi lả tả. Nhưng vì đội hình lúc đi trên đỉnh, lúc đi bên sườn nên không ai việc gì.
Thời gian đánh lữ đoàn dù này khá vất vả. Đơn vị ở giữa lòng một con suối đất nên người lúc nào cũng ướt và bẩn. Lương thực, thực phẩm không có điều kiện để đi lấy, hơn nữa số gạo của anh em bị bom, pháo cướp đi mất nên cả đơn vị được mấy bữa đói meo. Lương khô cũng chẳng có bánh nào. Có ngày chỉ ăn một bữa, phải nhịn hai bữa. Đặc biệt có một hôm cả đơn vị phải ăn cháo cả ngày. Toàn bộ lữ đoàn dù đang bị tan vỡ nên tàn binh rất nhiều. Để đánh tàn binh,bộ đội ta phải cơ động nhiều. Sáng cơ động đến chỗ này, chiều lại cơ động đến chỗ khác. Cư thế,cơ động, cưa gỗ đào hầm, có khi vừa xong hầm thì lai di chuyển, chủ yếu là đánh đón lõng nên bộ đội ta rất khổ. Trong một đêm phục kích, C7 của K8 đã diệt gọn một đoàn xe của địch trên đường 21 bao gồm ba xe M 113, một xe tải GMC chở đầy hàng nhu yếu phẩm. Người lập công này là anh Phán chiến sĩ giữ B40 của C7, sau này anh được trung đoàn tặng khen là chiến sĩ thi đua. Sáng hôm sau chúng tôi hành quân qua khu vực đó, những chiếc xe vẫn còn đang bốc khói, khét lẹt, xác mấy tên địch bị cháy đen thui, nát bét vung vãi tứ phía. Các đồ hộp,nhu yếu phẩm tung tóe khắp nơi. Quãng chín giờ sáng đơn vị nhận lệnh đi tiếp về phía Nam, vẫn theo trục đường 21. Trên đầu, chiếc L19 nghiêng ngó tìm mục tiêu. Chợt nó bắn một quả đạn khói vào phía cuối đội hình. Khói trắng bốc lên cao. Kinh nghiệm chiến trường cho biết chỉ sau ít phút nữa thôi, máy bay sẽ đến đánh bom. Ai nấy đều khẩn trương. Bộ phận đi trước chạy nhanh về phía trước, bộ phận phía sau chạy nhanh về phía sau tìm chỗ trú ẩn. Tôi và sáu chiến sĩ của C5 đang chạy tìm chỗ trú ẩn thì nghe ầm một cái, một tiếng nổ đinh tai ngay dưới chân chúng tôi. Ba chiến sĩ hi sinh ngay tại chỗ. Ba chiến sĩ bị thương, trong đó có một người bị thương nặng. Tôi ù tai một lúc, sau đó tôi và hai chiến sĩ bị thương nhẹ vội nhẩy xuống cống. Nước cống lội đến quá đầu gối. Tôi vẫn lành lặn không bị thương vội băng bó cho hai người bị thương nhẹ. Máy bay bắt đầu lao xuống cắt bom. Tiếng máy bay rít ghê rợn. Tôi ngồi thụp xuống, kệ cho ướt, hai tay chống đầu gối, bịt tai, miệng há hốc để giảm sức ép của bom. Hai quả bom nổ gần đầu cống, sức ép lộng vào trong cống nghe lộng óc. Nếu không bịt tai sẽ bị điếc ngay tức khắc. Cứ thế, chờ cho hết ba loạt bom, tôi mới nhoai lên mặt đường. Đường vắng ngắt, ba tử sĩ vẫn nằm đó. Người thương binh nặng kia tôi tưởng chết rồi, sau thấy động đậy. Tôi vội chạy đến, lúc này tôi mới nhận ra đó là Thành con C5 người Cao Bằng, lính tân binh mới bổ sung vào chiến trường ba tháng trước. Tôi gọi giật giọng, thật to:
- Thành ơi! Thành! Thành có sao không?
Không thấy Thành trả lời, mắt vẫn mở nhưng lờ đờ có vẻ nhận ra được người trước mặt. Thành bị thương lủng đùi trái. Vết thương quá nặng, toàn bộ bắp đùi trái bị nát bét, máu ướt đẫm chiếc quần. Giá như có dao, kéo lúc này thì tôi sẽ cắt phăng ống quần đó. Tôi liền lục gùi của anh tìm bông băng hoặc tất cả những thứ gì là vải để lau sạch vết thương và băng bó lại. Vết thương to quá, những miếng da, thịt bị toét lẫn với những mảnh vải bị xé rách nát nhào trộn với nhau trông thật ghê. Bao nhiêu quần áo trong gùi của anh kể cả khăn mặt tôi lôi ra hết để lau chùi vết thương. Biết là còn thiếu,tôi chạy xuống cống và hỏi:
- Các ông còn cuộn bông băng nào không? Thằng Thành trên mặt đường bị thương nặng lắm!
- Gì còn cuộn nào, băng bó hết rồi còn gì! Cả hai cùng trả lời.
Tôi vội lục gùi của tôi để tìm bông băng băng thêm cho Thành. Một lúc sau Thành mới tỉnh. Thành đòi uống nước.Tôi nói dối:
- Hết nước rồi, mà cũng chẳng ai có bi đông cả!
Thành một mực đòi uống nước, tôi tìm mọi cách để từ chối. Cuối cùng Thành kêu nóng quá. Tôi an ủi:
-Được rồi, em cứ cố gắng chịu đựng, em nằm tạm sang bên rìa đường nhé, anh sẽ báo về tiểu đoàn để đội vận tải đến cáng em vào viện.
Tôi khẽ kéo lê Thành sang bên rìa đường, vặt vài nắm cỏ che tạm lên người anh cho đỡ nắng. Thương anh quá mà không làm gì được hơn nữa. Lúc này tôi mới có điều kiện để xem nguyên nhân của tiếng nổ. Lúc đầu tôi tưởng là máy bay ném cối xuống, sau xem kĩ trên mặt đường thì ra trong bảy đứa bọn tôi, có một anh đã giẫm đúng vào quả mìn, tấm biển đề chữ mìn vẫn còn đó.
Trưa, đói, trong gùi chẳng có nắm cơm nào cả, tôi lục trong gùi của ba tử sĩ xem có gì ăn được không, kết quả cũng chẳng có nắm cơm nào cả ngoài bốn hộp thịt gà chiến lợi phẩm của từng ấy người. Tôi và hai người dưới cống cùng ăn vã thịt gà hộp. Sực nhớ tới Thành đang nằm trên mặt đường, tôi đem hộp thịt gà đang ăn dở lên dốc cho Thành uống nước. Thành đau quá nên chẳng ăn được gì, chỉ uống nước được thôi. Công việc tạm ổn, tôi chạy về phía trước để tìm Thuân, người đang đeo máy 2 W. Chạy được một đoạn, tôi thấy tất cả cũng đang trú dưới một cái cống. Thuân đang báo cáo tình hình vừa rồi về nhà. Cứ thế, tôi và Thuân thay nhau báo cáo về tiểu đoàn, về trung đoàn.
Toàn bộ lữ đoàn dù số 3 của địch bị tan vỡ, đại quân ta thừa thắng đánh tràn qua trung tâm huấn luyện quốc gia Lam Sơn của địch, tràn qua thị trấn Ninh Hòa và kéo một mạch vào Nha Trang.
Viết lại những trang lịch sử đầy tự hào này, đồng thời cũng là trang lịch sử đẫm nước mắt, lòng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa, thương tiếc, tưởng nhớ tới bao đồng đội đã nằm xuống giữa núi rừng Tây Nguyên đại ngàn. Máu của các anh đã làm cho hoa Pơ Lang thêm sắc thắm, làm cho bóng cây Kơ Nia thêm rộng, thêm tròn. Xin kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn của các anh.
Bắc Ninh, tháng 6 năm 2014
Nguyễn Văn Sau – Nguyên chiến sĩ thông tin K8-E66-F10
ĐT: 0919 621 905
| |